Ở giữa buôn M’Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương còn ngôi nhà sàn truyền thống của người K’Ho với 70 năm tuổi. Trong ngôi nhà cũ kỹ ấy còn có những vật dụng trong sinh hoạt đời sống của người K’Ho Srê được một người phụ nữ lưu giữ.
![]() |
Nhớ về cảnh sinh hoạt xưa của người K’Ho. Ảnh: D.Quỳnh |
Bà Rôda Nai Linh, 62 tuổi bắt đầu câu chuyện với việc so sánh tuổi tác giữa mình và ngôi nhà: “Nhà này do cha mẹ tôi làm năm 1950, trước khi sinh ra tôi. Ngôi nhà vẫn được giữ nguyên từ hồi đó tới giờ và chỉ phải thay những cột gỗ mục do mưa nên không giữ nguyên như cũ”. Ngôi nhà sàn truyền thống của người K’Ho Srê với vách, sàn được làm từ thông, các trụ chính làm từ gỗ chí, một loại gỗ cứng, chắc vốn có nhiều vùng cao nguyên Di Linh. Dáng mái cổ truyền của một ngôi nhà sàn K’Ho và những tấm ván sàn mòn vẹt như nhân chứng cho những cuộc đời đã sinh ra, sống và qua đời bên bếp lửa nhà sàn.
Trong ngôi nhà sàn, bà Rôda Nai Linh lưu giữ lại rất nhiều vật dụng của một gia đình người K’Ho Srê. Những dãy gọ (nồi), Yang, sleng (chóe), trống da nai được xếp dọc tường. Trên vách treo những chiêng Mol, gùi, slao si (mâm gỗ cúng lúa mới)... Có cả nỏ, xà gạt vương, xà gạt thường, nĩa rũ rơm, đòn xóc lúa, suốt bắt mối..., tất cả những vật dụng trong đời sống, trong lao động, săn bắn, sinh hoạt của người K’Ho đều hiện diện trong không gian ấy. Cầm cái suốt bắt mối trên tay, bà Rôda Nai Linh kể sau mỗi mùa khô nóng bỏng, khi những cơn mưa bắt đầu trên đất đai, người K’Ho cầm suốt này để bắt mối. Ngay cả tới bây giờ, người M’Lọn vẫn bắt mối bằng cái suốt này. Còn cái nĩa rũ rơm kia chuyên để rũ những bó lúa khi người đàn ông xóc những bó lúa được bó chặt về tới hiên nhà. Vuốt ve chiếc gùi nâu đen, những mối mây vẫn còn bền chắc, bà bảo cái gùi này cũng mấy chục năm tuổi, khi còn sống mẹ của bà vẫn dùng để đi chợ. Bà khoe, ba cái chiêng Mol chính là của hồi môn cha mẹ cho bà khi lấy chồng, khi ấy là một trong những của hồi môn rất có giá trị.
Vừa cầm chiếc gọ ụ (nồi đất) đen bóng, bà Rôda Nai Linh vừa nhắc lại chuyện xưa. Chiếc gọ này là sản phẩm của bà con buôn Grăng Gọ bên xã Ka Đô. Do nung bằng củi, non lửa nên khi mua về, chiếc gọ có màu vàng nâu, người phụ nữ trong gia đình phải “hồ” gọ bằng nước cháo loãng. Bỏ một nắm gạo, cho thật nhiều nước, đun trên bếp nhiều giờ và vần gọ liên tục, nước cháo loãng sẽ lấp kín những kẽ hở, gọ chuyển màu đen bóng và trở nên rắn chắc. Gọ vụ thường được những người phụ nữ K’Ho chuyên dùng để lấy nước dưới suối mang về nhà bằng cách đặt gọ lên vai. Ngoài gọ ụ, người K’Ho còn dùng gọ căng (nồi đồng), bà Rôda Nai Linh còn giữ được chiếc gọ căng lớn chuyên dùng để đồ xôi vào dịp lễ hội. Trân trọng bày chiếc slao si, mâm gỗ được làm từ một loại gỗ cực kỳ cứng, bà cho biết đây là loại mâm chuyên để bày đầu heo cúng vào những dịp lễ hội. Slao si còn loại nhỏ hơn, dùng để bày gà. Mỗi dịp lễ hội, bà con cúng Jàng, cúng đất trong tiếng trống da nai bập bùng, say sưa bên những sleng, những Yang (chóe rược cần) làm từ men lá.
Là con gái trong gia đình, bà Rôda Nai Linh thừa kế không chỉ ngôi nhà mà cả tâm nguyện của cha mẹ, hai cụ Rôda Nai Nga và Jaju Sa Hao. Bà bảo, trước khi mất, cha mẹ mong mỏi bà sẽ giữ được nguyên vẹn ngôi nhà. Và tiếp nối truyền thống ấy, bà sưu tầm, gìn giữ những vật dụng trong gia đình K’Ho Srê để con cháu biết ngày xưa ông bà, cha mẹ đã sống như thế nào. Người phụ nữ K’Ho đang giữ gìn truyền thống của ông bà, lưu giữ dòng chảy văn hóa đang róc rách trong tâm thức những con người trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.
(Báo Lâm Đồng Online)