Những năm gần đây, nhờ hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao triển khai hoạt động tại địa bàn các xã Ða Nhim, Ðạ Sar (huyện Lạc Dương) mà nhiều hộ dân người K’Ho Cill đã có việc làm, thu nhập ổn định và đời sống khấm khá hơn về mặt kinh tế.
![]() |
Một nữ công nhân người Cill được hướng dẫn kỹ thuật đóng gói hoa cẩm chướng tại nhà xưởng của một trang trại ở xã Đạ Sar. Ảnh: N.Dũng |
Mấy tháng qua, không còn phải đi rừng bẻ măng, hái lá nữa, chị The Ry (xã Đa Nhim) đều đặn đi làm ở trang trại trồng hoa công nghệ cao của Công ty Pan Saladbowl. Lịch làm việc của chị The Ry sáng từ 7 giờ đến 11 giờ trưa, chiều làm đến 17 giờ. Công việc chính là chăm sóc, thu hoạch, đóng gói hoa cẩm chướng khá nhẹ nhàng và chỉ quanh quẩn trong nhà kính, không phải băng rừng lội suối như trước kia. Chị The Ry kể: “Gia đình có 7 sào rẫy cà phê đã có chồng chăm sóc rồi, ở nhà mình không có việc làm nên bạn mình giới thiệu đến đây làm công nhân. Đi làm ở đây công việc cũng bình thường, không vất vả lắm mà thu nhập cũng ổn định hơn”.
Có “thâm niên” hơn một năm làm cho trang trại hoa của người nước ngoài, Ka Ê Tiên (21 tuổi, ngụ xã Đa Nhim) đã thành thục đóng gói hoa cẩm chướng để đưa đi xuất khẩu. Mỗi ngày làm việc đều đặn 8 tiếng, Ê Tiên hết ra vườn cắt hoa, đưa về đóng gói rồi lại đi tỉa cây, tỉa nụ… cho hoa. Được tiếp xúc với người nước ngoài và các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật đã giúp cô “sơn nữ” nhanh chóng tiếp thu và học hỏi nhiều kinh nghiệm trồng hoa công nghệ cao. “Trung bình mỗi tháng em nhận 4 triệu đồng tiền lương đủ để chi phí cá nhân và đưa về cho bố mẹ một khoản. Tuy nhiên, được làm ở công ty còn giúp em học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà sau này có thể áp dụng cho vườn rẫy của gia đình” - Ê Tiên cho hay.
Theo ông Takahiro Nunome (quốc tịch Nhật Bản, Quản lý trang trại Đa Nhim của Công ty Pan Saladbowl), trang trại Đa Nhim hiện có gần 30 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại địa phương. Hàng tháng Công ty chi trả mức lương trung bình cho công nhân vào khoảng 4 - 6 triệu đồng/người, tuỳ theo năng lực làm việc của mỗi người.
“Nhân công ở đây tiếp thu rất tốt, họ phát triển ngày qua ngày sau khi được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, kiến thức chăm sóc hoa công nghệ cao, đặc biệt là canh tác hoa xuất khẩu như Công ty của chúng tôi” - ông Takahiro nhận xét.
Địa bàn xã Đạ Sar, Đa Nhim (Lạc Dương) đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở trang trại trồng rau, hoa công nghệ cao. Đặc biệt là những trang trại của người nước ngoài như Công ty Pan Saladbowl (Nhật Bản) chuyên trồng hoa, trang trại dâu tây Kbill Vina, SamGong (Hàn Quốc), trang trại trồng hoa cao cấp của người Thái Lan…
Theo thống kê, trên địa bàn xã Đa Nhim, Đạ Sar hiện có trên 30 dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đang đi vào hoạt động. Các trang trại này đã giải quyết việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc K’Ho Cill tại địa phương. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đạ Sar Liêng Trang Ha Kim, cho biết: “Nhờ những dự án nông nghiệp công nghệ cao mà những năm qua đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân bản địa. Bà con trong vùng không phải vất vả đi rừng nữa, nhất là khi vụ mùa cà phê kết thúc, nhưng vẫn có thu nhập ổn định hàng tháng nên họ rất phấn khởi”.
(Báo Lâm Đồng Online)