Ðó là loại nấm mỡ - một sản phẩm cao cấp nhiều dưỡng chất trồng theo hướng hữu cơ, được cấp chứng nhận VietGAP và đang là cây trồng mới được Công ty Yoshimoto Mushroom (chuyên về trồng nấm số 1 tại Nhật Bản) đầu tư, sản xuất tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn (TP Bảo Lộc).
![]() |
Thu hoạch nấm mỡ trắng. Ảnh: B.Hồng |
Ông Yoshio Sugasawara - Tổng Giám đốc Công ty Yoshimoto Mushroom cho biết: “Sau 3 năm tìm kiếm địa điểm đầu tư thích hợp, cuối năm 2016, Công ty Yoshimoto Mushroom Nhật Bản quyết định chọn TP Bảo Lộc làm điểm đầu tư sản xuất nấm mỡ. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 3 triệu USD với quy mô sản xuất 440 tấn nấm thành phẩm mỗi năm, gồm 2 dòng sản phẩm chính là nấm mỡ trắng và nấm mỡ nâu. Việc quyết định đầu tư vào một khu vực mà người dân còn khá xa lạ với sản phẩm thật sự là một trở ngại. Tuy nhiên, sau gần 2 năm sản xuất, Yoshimoto Mushroom dần khẳng định tính đúng đắn khi chọn Bảo Lộc làm nơi đầu tư sản xuất. Ngoài những lợi thế về khí hậu, Bảo Lộc còn có nguồn nước sạch rất cần thiết cho việc sản xuất nấm mỡ. Hơn nữa, giao thông từ Bảo Lộc đến các thành phố lớn rất tiện lợi sẽ là một kỳ vọng trong tương lai trong việc vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến khách hàng”.
Là loại nấm vùng ôn đới, phù hợp với nhiệt độ lạnh nên khi áp dụng trồng tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn về nhiệt độ, độ ẩm, thậm chí là nguồn nguyên liệu. Không như các loại nấm thông thường, nấm mỡ, nhất là nấm mỡ công nghệ cao đòi hỏi quy trình sản xuất rất khắt khe và tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào. Thời gian đầu, khi mới đi vào sản xuất, công ty chọn nguồn nguyên liệu để ủ cấy meo là rơm của các vùng sản xuất lúa an toàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, nấm không đạt yêu cầu về dinh dưỡng và sản lượng nên công ty đã phải nhập toàn bộ nguyên liệu rơm từ lúa mạch, giá thể đất, chất bổ trợ từ Hà Lan, kết hợp công nghệ lên men Nhật Bản và chỉ sản xuất một lần duy nhất, không tái sử dụng để đảm bảo đáp ứng tối đa yêu cầu kỹ thuật và chất lượng. Phương án này đã kéo theo sự gia tăng về chi phí rất lớn cho phía công ty, trong khi đó để tiếp cận thị trường mới, giá thành nấm thành phẩm đã hạ đi 1/2 so với tính toán ban đầu. Không chỉ thận trọng trong khâu lựa chọn nguyên liệu, để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu người tiêu dùng và đảm bảo tối ưu dinh dưỡng của nấm, Công ty Yoshimoto Mushroom đã xây dựng quy trình sản xuất rất khắt khe. Rơm sau khi xử lý ở nhiệt độ 80oC để khử khuẩn và làm chín sẽ được chuyển vào nhà lạnh ủ thêm một lần nữa. Sau đó, rơm sẽ được cấy meo và phủ đất mặt để sợi khuẩn lên men và hình thành cây nấm mỡ. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, phòng lạnh trồng nấm lại được điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng phù hợp để nấm phát triển tốt nhất. Hệ thống phòng lạnh trồng nấm cũng được xây dựng khép kín và lắp đặt các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Các khâu đều được tự động hóa và được theo dõi rất tỉ mỉ.
Sau 2 năm, hoạt động sản xuất, nuôi trồng nấm mỡ hữu cơ của Công ty Yoshimoto Mushroom đã dần ổn định. Hiện tại, công ty có 9 dãy nhà xưởng, mỗi dãy gồm 8 sàn nuôi nấm có diện tích bình quân 120 m2/sàn. Nấm được sản xuất gối đầu liên tục, bình quân 40 ngày cho thu hoạch 1 vụ với sản lượng đạt trung bình 3 tấn.
Với mức giá dao động từ 200 - 350 ngàn đồng/kg, các sản phẩm nấm mỡ nâu và nấm mỡ trắng của Công ty Yoshimoto Mushroom đang dần được đón nhận và tiêu thụ mạnh tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Hiện, Công ty cũng đang liên kết với Siêu thị Coopmart Bảo Lộc để giới thiệu sản phẩm nấm mỡ đến với nhân dân địa phương. “Việc quyết định đầu tư vào địa phương mà người dân còn khá xa lạ với sản phẩm của chúng tôi cũng là một trở ngại nhưng với hy vọng đưa một món ăn dinh dưỡng, cần thiết đến với mọi gia đình, chúng tôi đang cố gắng mỗi ngày để khi nhắc đến nấm mỡ Yoshimoto, tất cả người tiêu dùng đều biết và xem nó như một món ăn dinh dưỡng cần thiết trong bữa ăn gia đình” - ông Yoshio Sugasawara chia sẻ.
Sản xuất nấm mỡ theo quy trình hữu cơ ngay tại Bảo Lộc là hướng sản xuất mới không chỉ đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào địa bàn theo đúng định hướng phát triển nông nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao bền vững mà còn đang góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu thực phẩm tốt đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)