Với phương châm “chậm mà chắc”, nên từ khâu chọn lựa giống mắc ca cho năng suất, sản lượng cao, rồi thành lập HTX để tiêu thụ sản phẩm, cựu chiến binh Lê Văn Trường đã và đang làm giàu không chỉ cho bản thân mà còn giúp những nông dân trồng mắc ca.
![]() |
Chuyển hướng trồng mắc ca giúp gia đình ông Lê Văn Trường có thu nhập ổn định. Ảnh: H.Yên |
Loay hoay trong thời buổi cây cà phê dịch bệnh, giá cả bấp bênh, ông Lê Văn Trường (thôn Tân Lạc 1, xã Đinh Lạc, Di Linh) chia sẻ rằng, qua tìm hiểu trên ti vi, đọc sách báo và mạng internet giới thiệu về mắc ca, một loại cây có nguồn gốc ngoại nhập, được mệnh danh là “cây triệu đô”. Vậy là ông lặn lội đến vùng Đắk Lắk để tìm hiểu các giống mắc ca cho năng suất cao. “Thế giới có đến 60 giống mắc ca nhưng tôi chỉ quan tâm đến những giống có năng suất, chất lượng cao nhất”, ông Trường cho biết.
Những nơi đến tìm hiểu ông Trường đều mua một ít hạt giống hoặc cành mắc ca để về ươm ghép, tạo ra giống thích hợp với thổ nhưỡng nơi ông sống. Từ năm 2011, ông được Công ty Đức Anh ở Đắk Lắk chuyển giao trồng khảo nghiệm hơn 400 cây mắc ca trồng xen cà phê trên đất vườn nhà và sau 3 năm, bắt đầu cho quả. Ông mừng lắm, mấy năm nay cà phê và mắc ca đều cho thu hoạch cao.
Ông Trường cho biết, trồng xen mắc ca với cà phê trong vườn giúp cây mắc ca vừa tận dụng được nguồn nước tưới từ cà phê, vừa tạo bóng mát cho cà phê. Hơn nữa, mùa thu hoạch quả mắc ca lại trái vụ so với cà phê nên tạo thuận lợi hơn cho gia đình.
Nếu trồng mắc ca giống ghép, sau khoảng 3 năm, cây bắt đầu ra hoa kết trái. Thông thường, cây ra hoa vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm và khoảng 8 tháng sau thì có thể cho thu hoạch. Cây càng lâu năm cho sản lượng càng cao.
Hiện giờ ông Trường coi cây mắc ca là nguồn thu nhập chính của gia đình nên chăm sóc rất kỹ. Khi cây đã có trái và sản lượng nhiều, vấn đề đầu ra cho cây mắc ca khiến ông trăn trở. Sau một thời gian bán trôi nổi trên thị trường, ông cùng anh em cựu chiến binh trong xã thành lập HTX, kêu gọi mọi thành viên trồng mắc ca trong thôn, xã liên kết để dễ dàng tiêu thụ hơn. Từ năm 2018, HTX Liên kết Mắc ca - Macadamia Di Linh được thành lập do ông Trường làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. HTX thu hút gần 32 thành viên là nông dân trên địa bàn 4 xã là Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Tân Châu và thị trấn Di Linh. Nhiều thành viên được ông Trường hỗ trợ giống, kỹ thuật để phát triển vườn mắc ca, từ đó giúp nông dân có giống tốt, tránh tình trạng nhiều vườn mắc ca ồ ạt trồng nhưng mua phải giống trôi nổi, không có trái hoặc năng suất kém.
Đến nay, tổng diện tích canh tác của HTX vào khoảng hơn 85 ha mắc ca trồng từ năm 2011, trong đó có 50 ha đang cho thu hoạch, tổng sản lượng mắc ca hàng năm của HTX đạt 100 tấn. Ông Đặng Công Định, thành viên của HTX (trú ở Tân Lạc 1, xã Đinh Lạc) cho biết, gia đình cũng bắt đầu trồng mắc ca từ năm 2013. Ông trồng nó xen với cà phê. Nhưng thấy mắc ca thu hoạch khá hơn nên ông bỏ dần cà phê để trồng thuần mắc ca. Tới nay, vườn mắc ca của ông đã được gần 6 năm tuổi, cây tốt và rất sai quả, ai đến thăm cũng mê. Ông Định cho biết, 1,4 ha mắc ca của ông đang trong thời kỳ kinh doanh ổn định. Năm ngoái, ông Định thu hơn 3 tấn hạt mắc ca khô, bán với giá 90.000 đồng/kg. Vườn nhà ông hiện đang sản xuất mắc ca theo tiêu chuẩn VietGAP, nghĩa là phải thực hành nông nghiệp tốt, phun xịt thuốc đúng thời vụ, có nhật ký đồng ruộng để sản phẩm mình bán ra thị trường đạt chất lượng tốt được mọi người đón nhận.
Sản phẩm của HTX sản xuất được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết ở thị trường khắp cả nước. Bên cạnh bán thô, HTX đã nghiên cứu, chế tạo dây chuyền chế biến mắc ca với công suất 20 tấn/năm, được thị trường tiêu thụ mạnh như hạt mắc ca rang tách nứt với giá bình quân 240.000 đồng/kg. Tất cả sản phẩm mắc ca này đã có tem truy xuất nguồn gốc, chỉ cần một thao tác người tiêu dùng có thể nắm được sản phẩm mình sử dụng được sản xuất ở đâu, chất lượng sản phẩm ra sao. Nhờ làm theo dây chuyền hiện đại như vậy, sản phẩm mắc ca đã đem lại doanh thu cho các thành viên trong HTX và dự kiến nguồn thu này còn tăng lên nhờ sản lượng vườn mắc ca tăng cao hơn. Bên cạnh bán trong nước, hướng của HTX là khi ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm trên toàn bộ diện tích canh tác của HTX thì sẽ phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang Thái Lan, Úc, Nhật,...
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)