12/26/2018 10:51:00 AM
.

Lâm Ðồng có ba công ty đạt Chứng chỉ rừng FSC


 Diện tích rừng Tây Nguyên đạt Chứng chỉ quốc tế quản lý rừng bền vững (QLRBV) FSC hơn 32.584 ha thuộc 5 công ty tại 3 tỉnh Ðăk Nông, Kon Tum và Lâm Ðồng; trong đó, Lâm Ðồng có 3 công ty với tổng diện tích 6.275 ha. Chứng chỉ FSC là kết quả sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Chương trình UN-REDD, khẳng định chất lượng rừng và là mô hình để tiếp tục phát huy tiềm năng từ rừng. 

Trao Chứng chỉ FSC cho 3 Công ty lâm nghiệp ở Lâm Đồng. Ảnh: M.Đ

Tiến trình thực hiện 
 
Sau khi sắp xếp lại theo Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, ở Lâm Đồng, tổng diện tích giao cho 8 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (gọi tắt Công ty) là 169.977 ha, chiếm tỷ lệ 28,5% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Trong đó, hơn 10.468 ha cho thuê để sản xuất - kinh doanh, còn lại quản lý bảo vệ rừng bền vững và thực hiện nhiệm vụ công ích. Đến nay, qua đánh giá tiền khả thi về tài nguyên và năng lực quản lý rừng có 3 Công ty đủ các điều kiện đáp ứng đảm bảo 10 nguyên tắc chuẩn quốc tế và phù hợp với Bộ tiêu chuẩn QLRBV của Việt Nam, đó là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Di Linh, Bảo Lâm và Đơn Dương. 
 
Tiến trình rà soát thực hiện các tiêu chuẩn về QLRBV và xin cấp Chứng chỉ rừng FSC cho 3 Công ty triển khai trong hai năm 2017, 2018; thời gian thực hiện 8 đến 12 tháng đối với một đơn vị chủ rừng. Kinh phí thực hiện được Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tài trợ ủy thác qua Tổ chức FAO và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là gần 1,829 tỷ đồng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của 3 Công ty được nhà nước giao và cho thuê thực hiện QLRBV theo các tiêu chuẩn là hơn 67.131 ha. Tổng diện tích rừng trồng lập thủ tục xin cấp Chứng chỉ rừng FSC-FM là 6.275 ha; bao gồm, Công ty Bảo Lâm gần 1.948 ha, Công ty Đơn Dương gần 2.070 ha và Công ty Di Linh gần 2.257 ha. 
 
Với tư cách nhà tài trợ chính tham gia Chương trình UN-REDD, Tổ chức FAO đã kết nối các chuyên gia trong nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Cùng đó, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam, UN-REDD tỉnh Lâm Đồng điều hành quản lý; đơn vị tư vấn Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Trường Đại học Lâm nghiệp). 
 
Kết quả và những bài học kinh nghiệm 
 
Ông Võ Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, từ năm 2016, tỉnh đã đặt vấn đề hồ sơ Chứng chỉ FSC đối với một số công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Đại diện Ban quản lý UN-RDD Lâm Đồng cho biết: Mặc dù tiếp cận với những vấn đề QLRBV vừa đảm bảo 10 nguyên tắc chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với Bộ tiêu chuẩn QLRBV của Việt Nam còn mới mẻ và khó khăn, nhưng qua sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế nên tiến trình hỗ trợ 3 Công ty rà soát triển khai đã kịp tiến độ. 
 
Đơn vị tư vấn khẳng định về hiệu quả của QLRBV và Chứng chỉ rừng ở các mặt: Nhận thức về BVR, bảo vệ môi trường của cán bộ viên chức và cộng đồng dân cư trong vùng được nâng lên rõ rệt; Giúp các chủ rừng cải thiện đáng kể hệ thống và phương pháp quản lý, nâng cao được trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Đó còn là nâng cao thương hiệu sản phẩm lâm nghiệp ổn định sản phẩm đầu ra. Ngoài ra, theo Ban quản lý UN-REDD Lâm Đồng, người lao động tại các Công ty được cấp Chứng chỉ rừng FSC được quan tâm đến quyền lợi lao động và các chế độ bảo hộ, an toàn trong sản xuất. Các hoạt động lâm nghiệp được tham vấn đối thoại đến đại diện cộng đồng và các chủ rừng tạo sự đồng thuận, hợp tác tốt trong việc quản lý và sử dụng rừng. Chứng chỉ rừng FSC còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy nhập và quản lý giám sát… Ông Võ Danh Tuyên cũng khẳng định: “Kết quả 3 Công ty đã tiếp cận được Chứng chỉ FSC sẽ là điều kiện chào mời sản phẩm tốt hơn, đặc biệt năng lực QLRBV được cải thiện theo xu hướng của thế giới. Từ đây sẽ lan tỏa trên địa bàn Lâm Đồng và Tây Nguyên”. 
 
Tuy nhiên, Viện Sinh thái rừng và Môi trường cũng nêu những thách thức, khó khăn khi thực hiện FSC. Đó là: Các chủ rừng phải có những bằng chứng về quyền sử dụng đất hợp pháp về diện tích rừng, đất lâm nghiệp đang quản lý; sự lấn chiếm đất đai của chủ rừng còn phức tạp. Chưa có quy định chủ rừng phải nắm vững giá trị đa dạng sinh học, cùng đó là chế tài chủ rừng phải có trách nhiệm bảo tồn. Hiện nay, thông tin điều tra cơ bản về tài nguyên động (thực) vật rừng, lâm sản ngoài gỗ vẫn còn thiếu nên khó khăn trong QLBVR; các quy trình quy phạm về khai thác gỗ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu giảm thiểu tác động môi trường của QLRBV… 
 
Để triển khai, Ban quản lý UN-REDD Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh tạo điều kiện tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ BV và PTR tỉnh đối với 3 Công ty lâm nghiệp đã được cấp Chứng chỉ FSC để triển khai thực hiện Chứng chỉ CoC thuận lợi. Cần phân tích và nghiên cứu thị trường định hướng (trong nước hay quốc tế); khách hàng định hướng (gia công cho đơn vị trong nước, xuất ra nước ngoài qua đơn vị trong nước, hay bán cho các khách hàng nước ngoài, bán cho các nhà bán lẻ/thu mua nước ngoài). Cũng cần lưu ý rằng, nếu sau 5 năm, việc QLRBV không đảm bảo theo các tiêu chuẩn, đơn vị chủ rừng được cấp Chứng chỉ FSC sẽ bị Tổ chức quốc tế thu hồi.  

(Báo Lâm Đồng Online)

 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,301,535.00