Theo UBND tỉnh: Năm 2018, ước khách du lịch đến Lâm Đồng trên 6.505 ngàn lượt (KH 6.500 ngàn lượt), đạt 100,1% KH, tăng 10,3%; trong đó, khách quốc tế 485 ngàn lượt, đạt 101% so KH, tăng 21,3%; khách qua đăng ký lưu trú 4.440 ngàn lượt, đạt 101,1%, tăng 11,3% so cùng kỳ. Về dịch vụ du lịch, doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành chiếm 18,5%, tăng 14,6%; doanh thu dịch vụ khác chiếm 17,7%, tăng 16,6%.
Có kết quả trên là năm 2018, Lâm Đồng thực hiện khá tốt việc phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương đến các thị trường khách du lịch quốc tế. Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước; tổ chức Ngày hội Hoa Anh đào Tuyền Lâm - Đà Lạt năm 2018 kết hợp với Lễ công bố Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm và công bố Giải thưởng thành phố bền vững về môi trường ASEAN đối với thành phố Đà Lạt...
Tuy hoạt động du lịch, dịch vụ có khởi sắc và kết quả thu hút khách có tăng song chưa bền vững, chưa có tính đột phá, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ năm 2019 tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp (khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với chăm sóc sức khỏe, làng du lịch đạt chuẩn 3-5 sao, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch cao cấp). Các khu vui chơi giải trí tổng hợp, giải trí về đêm ở trung tâm thành phố Đà Lạt và một số địa bàn trọng điểm. Các khu du lịch phức hợp, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các công trình văn hóa, hệ thống nhà hát, bảo tàng tại các địa bàn du lịch trọng điểm. Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông... Ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án trong lĩnh vực dịch vụ như: dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại; dịch vụ logistics, bưu chính - viễn thông, y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực dịch vụ khác. Khuyến khích mạnh thu hút FDI vào các ngành y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, xây dựng một số trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế... Theo đó, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư du lịch, dịch vụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước và nước ngoài. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy và đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh...
Năm 2019, Lâm Đồng đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bằng hoặc cao hơn năm 2018. Trong kinh tế phải phát triển mạnh dịch vụ du lịch chất lượng cao. Tỉnh dự kiến năm 2019 sẽ đón khoảng 7.150 ngàn lượt khách, tăng 10% so với năm 2018; trong đó: khách quốc tế khoảng 533 ngàn lượt, khách qua đăng ký lưu trú khoảng 4.850 ngàn lượt. Yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; có các giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch để thu hút mạnh khách quốc tế. Đầu tư mở rộng và tạo thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ khách du lịch theo hướng du lịch chất lượng cao. Một việc làm cũng hết sức quan trọng nữa là cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh tiềm năng, thế mạnh Lâm Đồng trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước.
(Báo Lâm Đồng Online)