5/15/2018 10:26:00 AM
.

Khi những nông dân là một tập thể đoàn kết


 Đam Rông, huyện mới được thành lập cách đây gần 15 năm và cũng là một vùng đất còn nhiều khó khăn, đời sống cư dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất nhì tỉnh Lâm Đồng, huyện nghèo của cả nước. Nhưng, bằng sự đoàn kết, những nông dân nơi đây đã tập trung trở thành một tập thể, cùng nhau vươn lên vượt khó xây dựng quê hương. 

 
Đồng hành cùng nông dân vượt khó
 
Ông Vũ Xuân Quế, Chủ tịch Hội Nông dân Đam Rông nhiệm kỳ II (2013 - 2018) chia sẻ, Đam Rông là huyện “sinh sau đẻ muộn” nên Hội cũng “trẻ” gần bằng tuổi thành lập huyện và còn rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của hội viên nông dân. Nhưng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự cố gắng phấn đấu, chăm chỉ lao động của từng nông dân, giá trị sản phẩm ngành trồng trọt trên một đơn vị diện tích tăng từ 40,1 triệu đồng năm 2010 lên 100,9 triệu đồng/ha năm 2015 và trên 115 triệu đồng/ha năm 2017. Đây có thể nói là một con số rất ấn tượng nếu xét tới những khó khăn Đam Rông phải vượt qua và trong số đó, không thể không tính tới sự cố gắng của tổ chức Hội và hội viên.  
 
Mội vài con số ấn tượng trong nhiệm kỳ II của Hội Nông dân huyện Đam Rông 
 
-  Tổng số hội viên tăng 2.778 hội viên, đạt 177% so với Nghị quyết, nâng tổng số hội viên hiện nay là 6.282 hội viên, chiếm 70% so với hộ nông nghiệp, đạt 95,5% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội II đề ra.
 
- Đam Rông có 16 trang trại được công nhận, trên 30 gia trại vừa và nhỏ, trong đó chủ yếu là gia trại chăn nuôi hươu, nai, heo, bò, dê... và có trên 50 mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả do Hội Nông dân hướng dẫn, quản lý. 
 
- Hàng năm số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt từ 2.500 đến 3.000 hộ, trong đó có trên 30% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
- Các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp gần 8,2 tỷ đồng, 3.888 ngày công để tu sửa và làm mới trên 42 km đường giao thông, nạo vét 175 km kênh mương, sửa chữa, làm mới trên 15 cây cầu, cống; hiến 172.621 m2 đất để làm đường giao thông, trường học, hội trường thôn… để xây dựng NTM.

Qua đó, ông Vũ Xuân Quế chia sẻ một vài chỉ tiêu Hội Nông dân Đam Rông đã thực hiện đạt kết quả tốt trong việc đồng hành, hỗ trợ cùng nông dân vượt khó. Đó là, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến nay đạt trên 2,2 tỷ đồng cho hội viên vay phát triển sản xuất; Ngân hàng Chính sách và Xã hội cho nông dân vay 58,94 tỷ đồng/1.911 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho nông dân vay 7,218 tỷ đồng/6 tổ/111 hộ, tất cả đều thông qua tổ chức Hội. Riêng nhiệm kỳ II, Hội đã đứng ra tín chấp cho nông dân mua trả chậm 50 máy động cơ nông nghiệp trị giá 1 tỷ đồng, trên 3 ngàn tấn phân bón các loại trị giá 20 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện đã phối hợp với các công ty, cơ quan, đơn vị chuyên môn tiến hành gần 900 buổi chuyển giao KHKT cho hơn 24.000 lượt người về kỹ thuật trồng rau VietGAP, nuôi heo, bò, trồng dâu nuôi tằm, cách thức bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, mắc ca... Hội đã đồng hành cùng nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng để tăng giá trị nông sản Đam Rông. 

 
Không chỉ xây dựng kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân cũng được Hội  góp một phần tích cực thông qua  phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, tư vấn pháp luật... để góp phần nâng cao chất lượng sống của người nông dân nơi vùng xa Đam Rông.
 
Thắm tình ý Đảng, lòng dân
 
Một trong những điểm Hội Nông dân Đam Rông tự hào, đó chính là tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ thành viên vượt khó, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong 5 năm qua, từ 2013 - 2018, Hội Nông dân các cấp đã vận động được trên 500 triệu đồng; 3.650 ngày công; hơn 5.000 con giống, 15.170 cây giống và các loại vật tư, lương thực, giúp đỡ cho hơn 510 lượt hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo hàng năm từ 5 đến 7%. Mỗi con giống, mỗi ngày công là sự chia sẻ của người nông dân dành cho nhau, dành cho cộng đồng. 
 
Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói, nghèo quyết tâm vươn lên, vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi hộ tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 đến 10 lao động và hàng chục lao động theo mùa vụ. 
 
Hàng năm số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt từ 2.500 đến 3.000 hộ, trong đó có trên 30%  là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Những tấm gương này đã góp phần thiết thực trong thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương.
 
Không chỉ giúp nhau làm giàu, nông dân Đam Rông còn chung tay cùng cả cộng đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đóng góp tiền bạc, đóng góp công sức, họ đã là nhân tố không thể thiếu xây dựng một Đam Rông như hôm nay. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp gần 8,2 tỷ đồng, 3.888 ngày công để tu sửa và làm mới trên 42 km đường giao thông, nạo vét 175 km kênh mương, sửa chữa, làm mới trên 15 cây cầu, cống; hiến 172.621 m2 đất để làm đường giao thông, trường học, hội trường thôn. Ngoài ra, Hội còn phát động trồng trên 650 cây bóng mát dọc các tuyến đường trên địa bàn huyện, mô hình tuyến đường không rác, xây dựng 25 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn. Đam Rông cũng là huyện duy nhất trong cả nước thuộc Chương trình 30a có xã đạt chuẩn NTM, đó là Đạ Rsal, điểm sáng của kinh tế Đam Rông. 
 
Một nhiệm kỳ trôi qua, năm 2018 Hội Nông dân Đam Rông bước tiếp với mục tiêu đồng hành cùng hội viên xây dựng kinh tế ấm no, môi trường bền vững và xây dựng một Đam Rông giàu đẹp.
 
(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,370,726.00