Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Ðà Lạt cho biết: Vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, Sở Công thương thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Công thương Lâm Ðồng tổ chức hội nghị Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ liên kết, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hoa Ðà Lạt tại thị trường phía Bắc.
![]() |
Hoa Đà Lạt tại chợ hoa Quảng Bá - Hà Nội vào 2h sáng (ảnh do Sở Công thương Lâm Đồng cung cấp) |
Hiệp hội Hoa Đà Lạt được thành lập năm 2006, có 95 hội viên gồm 72 doanh nghiệp, 5 làng hoa, 4 trang trại, 3 tổ chức và 11 cá nhân. Sản phẩm hoa của hội viên Hiệp hội Hoa Đà Lạt gồm các loại hoa cắt cành như hoa hồng, hoa địa lan, hoa lily, hoa cúc, cẩm chướng, đồng tiền,… Các loại hoa xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản gồm các loại hoa cúc trắng Ping pong, cúc trắng kim cương, hoa cúc chùm… Hiện tại, diện tích trồng hoa ở Lâm Đồng lên tới 8.300 ha, có hơn 3,5 ha trồng hoa công nghệ cao, sản lượng đạt gần ba tỷ cành mỗi năm. Trong đó, hơn 89% sản lượng hoa được tiêu thụ tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và TP Hồ Chí Minh. Ngành sản xuất hoa của Lâm Đồng luôn giữ mức tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm về diện tích và 15% mỗi năm về sản lượng, các giống hoa được sản xuất chủ yếu gồm: hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng, hoa lily… Sản lượng hoa xuất khẩu chiếm 10,7%, chủ yếu xuất sang các thị trường: Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Trung Quốc và một số ít sang Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Philippin, Nga… Kim ngạch xuất khẩu hoa năm 2016 của tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 42 triệu USD, sản lượng xuất khẩu đạt 268,36 triệu cành.
Tại hội nghị này, Sở Công thương thành phố Hà Nội cùng Hiệp hội Hoa đã phân tích tình hình thực tế của việc kết nối, tiêu thụ hoa giữa Hà Nội - Lâm Đồng. Thực trạng, nhiều thời điểm trong năm, do cả Lâm Đồng và Hà Nội cùng nở rộ một loại hoa như hồng, cúc, lily... khiến nguồn cung tăng mạnh, giá giảm, người trồng hoa thất thu. Nhiều vùng trồng hoa của Hà Nội phải nhập khẩu giống, nguyên vật liệu trồng hoa từ nước ngoài, trong khi ngay tại Đà Lạt cũng có thể cung ứng. Đó là chưa tính đến việc cả hai thị trường đều đang phải cạnh tranh gay gắt với hoa nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, việc liên kết, phối hợp cùng nhau điều tiết cung - cầu, phát triển ngành hoa là vấn đề chung mà 2 địa phương cùng hướng đến. Sở Công thương Hà Nội cũng đề nghị các hội viên của Hiệp hội Hoa Đà Lạt ký hợp đồng cung ứng - tiêu thụ ổn định giữa các nhà cung cấp của Lâm Đồng và các nhà phân phối, thương nhân Hà Nội để đảm bảo nguồn hàng ổn định, cạnh tranh với các sản phẩm hoa ngoại nhập.
Cũng trong khuôn khổ chương trình xúc tiến, từ ngày 29/10 đến ngày 3/11, Sở Công thương Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Hoa Đà Lạt tổ chức chương trình khảo sát thị trường hoa tại các chợ đầu mối hoa Quảng Bá, Mê Linh, Hà Đông, các làng hoa và các shop hoa tại thành phố Hà Nội.
Ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng cho biết: Qua quá trình khảo sát, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa của Lâm Đồng có cơ hội trao đổi, học hỏi, chia sẻ kỹ thuật trồng trọt, bảo quản sau thu hoạch,... tại trang trại; tại các chợ, đoàn khảo sát đã thu thập thông tin về khả năng tiêu thụ của hoa Đà Lạt, sức cạnh tranh của hoa Đà Lạt so với hoa Trung Quốc và hoa sản xuất ở địa phương. Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình khảo sát thị trường, hai Sở sẽ đồng chủ trì tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ liên kết phân phối, tiêu thụ sản phẩm hoa Đà Lạt tại thị trường phía Bắc.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo hai Sở đã thống nhất một số giải pháp nhằm hỗ trợ hoạt động liên kết và tiêu thụ hoa, đó là: Đẩy mạnh tuyên truyền sản phẩm hoa Đà Lạt; so sánh, phân biệt giá trị và nhận diện thương hiệu hoa Đà Lạt. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhãn hiệu hoa “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, Sở Công thương Hà Nội sẽ tuyên truyền về thương hiệu này trên trang web của Sở. Mặt khác, tăng cường kết nối về thông tin, dự báo thị trường, có sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước, hai Sở sẽ kết nối thường xuyên, lâu dài. Hiệp hội Hoa Đà Lạt kết nối thường xuyên với các ban quản lý chợ để nắm bắt nhu cầu, thông tin của tiểu thương; nhà sản xuất, cung ứng hoa của Lâm Đồng và tiểu thương, thương nhân phân phối hoa Hà Nội phải giữ chữ tín về sản phẩm, chất lượng, giá cả, vận chuyển; ngành Công thương sẽ có những đề xuất về chính sách để phát triển ngành hoa; Sở Công thương Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện để hoạt động vận chuyển hoa trong thành phố vào dịp tết cổ truyền.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)