Ðam mê và tâm huyết là những yếu tố tiên quyết để khởi nghiệp từ nông nghiệp thành công. Ðó là lời khẳng định đầu tiên và xuyên suốt mà hơn 150 đoàn viên đến từ các huyện, thành phố, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình “Giao lưu thực tế, kết nối khởi nghiệp năm 2018” đã nhận được.
![]() |
Các bạn trẻ chăm chú lắng nghe chia sẻ từ anh Phan Thanh Sang. Ảnh: V.Quỳnh |
Tuần vừa qua, những thanh niên có niềm đam mê khởi nghiệp với nông nghiệp lần đầu tiên có cơ hội được cùng nhau tham quan, học hỏi và trải nghiệm với những mô hình nông nghiệp thành công trên địa bàn tỉnh. Chương trình “Giao lưu thực tế, kết nối khởi nghiệp năm 2018” do Hội LHTN tỉnh tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các ĐVTN đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Người trẻ cần chuẩn bị những gì để khởi nghiệp?”.
Tại điểm tham quan đầu tiên - Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, chuyên trồng, chuyển giao kỹ thuật, liên kết (với khoảng 50 ha, 40 hộ dân), trồng Vũ nữ xuất đi Nhật, đoàn đã được nghe anh Huỳnh Tấn Sơn - Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt chia sẻ rất nhiều điều về quá trình để hoa lan Vũ nữ của chuỗi liên kết Hoa Mặt Trời được bán với giá cao nhất so với hoa các nước khác tại chợ đấu giá hoa OTA lớn nhất Nhật Bản.
Mỗi lời chia sẻ của anh Sơn đều được các ĐVTN chú ý và quan tâm. Bằng chứng là rất nhiều câu hỏi về kinh nghiệm trồng hoa, tìm thị trường và liên kết đã được các bạn đặt ra. Sau khi giải đáp thắc mắc về chuyên môn của các bạn trẻ, anh Huỳnh Tấn Sơn cũng đưa ra lời khuyên: “Tôi rất hoan nghênh những người chịu khó đi học hỏi, nhất là những người trẻ. Bây giờ, các bạn trẻ có trình độ, kiến thức, nhưng muốn khởi nghiệp thì nhất định phải gạt bỏ tính so đo, tính toán, ích kỷ. Phải có quyết tâm, tâm huyết cống hiến và biết kết nối với nhau thì khả năng thành công mới cao hơn”.
Điều này cũng được anh Bùi Hữu Tri - Giám đốc HTX Tiến Huy (Đức Trọng) nhấn mạnh khi truyền đạt kinh nghiệm với các bạn ĐVTN: “Các bạn đừng nghĩ làm nông là không cần tri thức. Tri thức là yếu tố tiên quyết của khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, mình phải có cái tâm, bởi nếu không có cái tâm thì sẽ rất khó làm. Khi mình không đặt tiền bạc làm mục tiêu đầu tiên thì hiệu quả mang lại mới lâu dài, lúc đó tiền sẽ tự động chảy về túi mình. Đó cũng chính là kinh nghiệm mà tôi đúc kết được khi đã trải qua nhiều thăng trầm cùng nông nghiệp và người nông dân”.
Tại Công ty TNHH Phong Thúy, đoàn tham quan đã được anh Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc công ty truyền nhiều cảm hứng về khởi nghiệp, với câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai 20 tuổi những năm 1990 với vài sào đất, và con đường trở thành Công ty TNHH Phong Thuý với quy mô 130 ha như hiện tại.
Điểm nổi bật của Phong Thúy là tổ chức hoạt động khép kín, từ gieo ươm giống cây con, đến canh tác trên đồng ruộng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển. Theo anh Phong, Phong Thúy được lập kế hoạch và đinh hướng sản xuất theo mỗi giai đoạn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong mỗi thời kỳ. Từ những ngày đầu tập trung vào cây lương thực, đến đa dạng hóa các sản phẩm nông sản và hiện tại là chú trọng các loại rau thủy canh, rau an toàn - Mỗi bước đi đều được chuẩn bị cẩn thận, nhưng bản thân anh Phong cũng phải thừa nhận rằng, đã có những lúc vì đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng mà anh chấp nhận gặp vướng mắc, loay hoay tìm lời giải trong suốt 2 - 3 năm trời cho đầu ra của rau an toàn, giá cả thế nào thì hợp lý, làm sao để người tiêu dùng tin tưởng rằng đó thật sự là rau sạch.
Chính vì vậy, anh Phong đưa ra lời khuyên với các bạn ĐVTN rằng: “Muốn thành công, nhất định phải dám nghĩ táo bạo. Mình phải có ý tưởng và phải đón đầu, đi trước thực hiện ý tưởng của mình. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, lúc bắt đầu chúng ta chỉ nên thực hiện trên một mô hình nhỏ. Không nên ngồi chờ người khác đầu tư hay tìm ra hướng sản phẩm cho mình, bởi nếu mình làm tốt thì cơ hội chắc chắn sẽ tới”.
Võ Minh Tâm (SV năm 3 khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt) đặt câu hỏi: “Thời của anh thì khởi nghiệp có dễ dàng hơn bây giờ không?”. Trả lời điều này, anh Phong khẳng định: “Trên thực tế, thời kỳ nào cũng có những khó khăn và thuận lợi riêng của nó. Nhưng cơ hội thì thời nào cũng có, quan trọng là mình có nắm bắt được hay không, phải đam mê, nỗ lực và cố gắng vươn lên không ngừng”.
Những tiếng ồ, à, những ánh mắt chăm chú quan sát và thán phục là những gì dễ nhận thấy nhất của đoàn tại mỗi điểm tham quan mới. Kết thúc một ngày giao lưu, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, Bùi Thị Bích Thảo (SV năm 2, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Đà Lạt) hào hứng nói: “Bản thân tôi rất thích tìm hiểu về nông nghiệp vì mong muốn mình sẽ khởi nghiệp bằng con đường này. Sau khi thấy các mô hình kinh tế với quy mô lớn và nghe chia sẻ từ các anh đi trước, tôi cảm thấy có động lực hơn và có niềm tin hơn vào việc khởi nghiệp của mình”.
Anh Phan Thanh Sang - Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, cũng là người đề xuất ý tưởng tổ chức chương trình cho biết: Hơn 10 năm trước, khi còn là sinh viên, tôi rất khao khát được tham quan các nơi trồng sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhưng thật sự việc tiếp cận các mô hình này rất khó. Bây giờ, điều kiện dễ dàng hơn, các bạn ĐVTN cũng rất mong muốn có những mô hình hay, cách làm hiệu quả, được tham quan chia sẻ theo hình thức “Tai nghe, mắt thấy, tay sờ”, bởi sinh viên thì càng phải “Học đi đôi với hành” mới nhanh tiến bộ! Đây chính là cơ hội để thanh niên Lâm Đồng được trải nghiệm mà không phải ở đâu cũng có được. Chúng tôi tin rằng các bạn trẻ đã được truyền lửa, cũng như được bổ sung những kiến thức thực tế bổ ích cho công việc và ước mơ của bản thân.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)