Hiện nay tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi VietGAHP ở Lâm Ðồng đang còn bỏ ngỏ nên thông qua Dự án LIFSAP đã tạo được tiếng nói chung giữa các hộ nông dân và doanh nghiệp bằng việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thịt đảm bảo an toàn.
![]() |
Nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm heo VietGAHP với các công ty. Ảnh: H.Yên |
Tìm tiếng nói chung giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp
Tuy nhiên, trong thời gian qua, giá heo biến động thất thường, có những thời điểm giá bán chỉ bằng 2/3 giá thành, còn sản xuất chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian dẫn đến chăn nuôi bị thu hẹp, người dân e dè tái phát triển đàn, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ. Bên cạnh đó, mức độ liên kết giữa các hộ, các nhóm GAHP với các nhà cung cấp vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y, hay sản phẩm đầu ra…) cho chăn nuôi heo chưa chặt chẽ, còn phân tán và chưa đạt một quy mô lớn để tác động đáng kể cho chuỗi giá trị ngành hàng, do đó giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Việc thực hành sản xuất chăn nuôi tốt tạo ra các sản phẩm chăn nuôi GAHP an toàn, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến cũng góp phần làm cho tình hình tiêu thụ thịt heo trên địa bàn gặp khó khăn.
Chính những yếu tố trên nên nông dân và doanh nghiệp cần phải có tiếng nói chung để quảng bá sản phẩm thịt heo đạt chứng nhận VietGAHP, mở rộng thêm các kênh tiêu thụ, tạo thêm các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các THT/HTX và nhóm GAHP chăn nuôi heo, góp phần đưa sản phẩm thịt heo VietGAHP đến người tiêu dùng và tạo các chuỗi liên kết ổn định, bền vững, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh.
Ông Lê Thanh Bình, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi VietGAHP Tân Trọng Tín cho biết, thông qua hình thức liên kết giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các hộ chăn nuôi, nâng cao chất lượng thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi và vận chuyển. Các hộ thành viên có nhiều năm kinh nghiệm, có tâm huyết, đoàn kết xây dựng HTX sản xuất heo theo hướng VietGAHP nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường… hỗ trợ xúc tiến đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi VietGAHP.
HTX có tất cả 58 thành viên, được hình thành dựa trên 5 THT ở 3 xã: Liên Hiệp, N’thol Hạ và Bình Thạnh, với tổng đàn heo nái sinh sản 900 con và heo thịt là 10.000 con HTX có thể đáp ứng ổn định đầu ra với công suất 40 con heo thịt/ngày.
Hiện HTX đang xúc tiến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH TMDV Thùy Dương Phát và Công ty Hương Vĩnh Cửu ở thành phố Hồ Chí Minh.
Còn đối với HTX Tân Hiệp Phát, với những lợi thế trong hoạt động, định hướng và sự quyết tâm trong thực hiện mục tiêu, HTX Tân Hiệp Phát tự tin khi gia nhập thị trường nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thịt heo sạch đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm với giá cả cạnh tranh. Ông Nguyễn Danh Cẩn, Giám đốc HTX Tân Hiệp Phát cho biết, HTX Tân Hiệp Phát ban đầu chỉ là một vài hộ nông dân được Dự án LIFSAP hỗ trợ thành lập các nhóm GAHP rồi tổ hợp tác. Từ sự năng động của tổ hợp tác và được sự ủng hộ của lãnh đạo xã Gia Hiệp, những hộ nông dân trong tổ hợp tác chăn nuôi heo VietGAHP liên kết nhằm tạo mối thống nhất trong hoạt động chăn nuôi nên đến tháng 3/2018 thì thành lập nên HTX. Để sản phẩm thịt heo của các thành viên trong tổ tiêu thụ ổn định trên thị trường, các thành viên chấp thuận thực hiện quy trình chăn nuôi heo bảo đảm an toàn, không có dư lượng thuốc kháng sinh trong con heo và sản phẩm thịt heo đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, HTX đã ký kết hợp đồng với thành viên và cơ sở giết mổ để đưa ra thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng. HTX cũng đã ký hợp đồng với Công ty Visan (TP Hồ Chí Minh) để cung ứng thịt heo cho họ. Đồng thời, các thành viên còn trực tiếp sang châu Âu (trong đó thị trường Nga là chủ yếu) để khảo sát thị trường nhằm cung ứng cho thị trường khó tính này.
Phát triển thị trường tiêu thụ
Việc các hộ, nhóm, HTX và các doanh nghiệp, trao đổi, thảo luận nhằm mở rộng kênh tiêu thụ, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt heo VietGAHP bền vững và kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm đầu vào cho chăn nuôi tiết kiệm hiệu quả. Ngoài ra, còn chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh - nơi có ngành chăn nuôi heo lớn nhất cả nước, đã tạo ra được bước tiến trong việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, để đưa sản phẩm thịt heo VietGAHP đến người tiêu dùng thì việc hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bằng việc ký kết giữa các doanh nghiệp tiêu thụ và các HTX tổ chức ký kết các hợp đồng (đầu vào, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ). Hiện Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi, qua đó tỉnh đã triển khai thiết lập, xây dựng được 57 nhóm chăn nuôi GAHP với 1.093 hộ chăn nuôi tập trung tại các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm… Ông Hoàng Sỹ Bích - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, mặc dù Lâm Đồng đã có các vùng GAHP, nhóm GAHP, THT, HTX nhưng mức độ liên kết giữa các hộ, các nhóm GAHP với các nhà cung cấp vật tư đầu vào cho chăn nuôi heo như: con giống, thức ăn, thuốc thú y hay sản phẩm đầu ra… chưa chặt chẽ, phân tán, chưa đạt đến một quy mô lớn để tác động đáng kể cho chuỗi giá trị ngành hàng, do đó giá trị tăng của sản phẩm chưa cao. Việc thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (đã được kiểm tra và chứng nhận) tạo ra các sản phẩm chăn nuôi GAHP an toàn, nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trong chương trình Dự án LIFSAP đã có những kết nối hoặc thông tin hữu ích cho các nhà chăn nuôi, đơn vị cung cấp dịch vụ chăn nuôi, đơn vị thu mua… tìm đến với nhau để có cùng tiếng nói chung, góp phần tháo gỡ khó khăn trong chuỗi chăn nuôi hiện nay. Bên cạnh đó, thông qua liên kết theo chuỗi, ký kết hợp đồng tiêu thụ sẽ tránh được việc tranh mua, tranh bán giữa các công ty khi thiếu nguyên liệu thì mua giá cao, khi thừa nguyên liệu thì bỏ bê, không mua.
Ông Bích cũng cho rằng, các hộ chăn nuôi và HTX chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh phải có liên kết với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu lớn về sản phẩm chăn nuôi heo, để phát triển thị trường tiêu thụ. Bên cạnh thị trường truyền thống phải đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)