Hiện nay, toàn tinh Lâm Đồng có gần 1.500 ha đất sản xuất khoai tây, với năng suất bình quân đạt khoảng 20tấn/1ha, tập trung chủ yếu tại TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương và một số vùng phụ cận khác.
Các giống khoai tây chủ lực được đưa vào canh tác như 07, PO3, Atlantic. Nông dân Lâm Đồng cũng đã được tiếp cận các giải pháp kỹ thuật nhằm sản xuất khoai tây đạt năng suất cao, giảm thiểu sâu bệnh hại, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nỗi băn khoăn mà một mình nông hộ chưa thể giải quyết được.


Đứng trước thực tế đó, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp hợp tác nghiên cứu, chọn tạo những giống khoai tây chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và nâng cao năng suất canh tác. Một trong những hoạt động đó là chương trình sáng kiến hợp tác về nông nghiệp và cây lương thực giữa Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam và tổng cục phát triển nông thôn Hàn Quốc nhằm sản xuất khoai tây giống và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây trồng được triển khai tại trung tâm khoai tây rau và hoa Đà Lạt. Tại đây, trung tâm đã khảo nghiệm thành công giống khoai thất Doobak được nhập khẩu từ Hàn quốc. Qua đó cho thấy giống khoai tây này có thời gian sinh trưởng khoảng 100 ngày, chất lượng củ tốt, năng suất đạt khoảng hơn 27 tấn/1ha, cao hơn giống khoai tây Alantic gần 16%, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 35%, lợi nhuận kinh tế đạt khoảng 100 triệu đồng/1ha.


Song song với các nghiên cứu trong nước thì thông qua các chương trình hợp tác nước ngoài, Lâm Đồng đã nâng cao đươc nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất khoai tây. Các chuyên gia nông nghiệp đến từ Hàn Quốc đã chia sẻ các kinh nghiệm về chọn giống, nhân giống và chăm sóc khoai tây sạch bệnh. Cần kiểm soát rệp vừng truyền virút một cách thích hơp trong giống khoai tây. Tại Hàn Quốc đạt sản lượng khoai tây từ 27 đến 36 tấn /1ha, trong lúc các nước phát triển ở Châu Á chỉ đạt 15 đến 20 tấn do sử dụng giống chưa đạt chuẩn. Vì vậy vấn đề sử dụng nguồn khoai tây giống sạch bệnh có ý nghĩa rất quan trọng và cần triển khai áp dụng.


Sản phẩm khoai tây tại Lâm Đồng được các công ty như Orion, Pepsico thu mua chế biến, còn lại tiêu thụ tại địa phương các tỉnh lân cận như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai…Khoai tây Đà Lạt luôn được người tiêu dùng đánh giá cao và là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cho nhiều nông hộ, cũng là loại nông sản được xây dựng thương hiệu gắn với Đà Lạt. Dù còn có những thời điểm khoai tây Đà lạt gặp những khó khăn nhất định về điều kiện sản xuất do mưa kéo dài, sâu bệnh hại và cạnh tranh với khoai tây ngoại nhập, nhưng khoai tây Đà Lạt vẫn khẳng định được vị thế của mình trên thị trường nhờ các giải pháp canh tác bền vững đã và đang được áp dụng vào sản xuất.
(http://lamdongtv.vn/)
(http://lamdongtv.vn/)