Theo nhu cầu thị trường, bên đường Mimosa Ðà Lạt vừa ra mắt hợp tác xã sản xuất đa dạng các loài hoa chậu đặc trưng Ðà Lạt và bước đầu ổn định lợi nhuận cho hàng chục hộ gia đình liên kết, mở ra hướng phát triển mới góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương.
![]() |
Mỗi tháng HTX Nông nghiệp Mimosa Đà Lạt liên kết với nông hộ sản xuất hàng chục ngàn hoa chậu theo đơn đặt hàng từ các tỉnh phương Nam. Ảnh: V.Việt |
Ðiểm dừng quen thuộc dưới chân đèo Mimosa
Chừng ba năm trở lại đây, cánh tài xế xe tải khi xổ đèo Mimosa Đà Lạt đã quen thuộc với điểm dừng cách Khu Du lịch thác Prenn khoảng hơn 1.000 m (thuộc Tổ dân phố 19, Phường 3) để chất lên các mặt hàng hoa chậu, cây cảnh mua sỉ đưa về các vùng đất phương Nam tiêu thụ, hoặc chọn mua lẻ vài chục đến vài trăm sản phẩm này để làm quà sau một chuyến vận tải hàng hóa cung ứng cho các siêu thị lớn, nhỏ các nơi. Điểm dừng này có diện tích nhà lưới khoảng 300 m2 ban đầu của nông hộ thanh niên Nguyễn Trung Thành (sinh năm 1983); đến nay đã nhân đôi diện tích hai bên mặt đường và gắn bảng hiệu tư cách pháp nhân “HTX Nông nghiệp Mimosa Đà Lạt”. Một ngày đầu tháng 10/2018, phóng viên đến điểm dừng này mới hay một quy trình thay thế từ cây rau sang cây hoa chậu nhà kính đã diễn ra khá căn bản, hiệu quả và đầy tính thuyết phục từ quy mô hộ gia đình đến quy mô hợp tác xã, trong đó người đi tiên phong xây dựng chuỗi giá trị liên kết hoa chậu là nông hộ thanh niên Nguyễn Trung Thành hiện đảm trách chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Mimosa Đà Lạt.
Với phóng viên gần bốn năm trước cũng đã đến khu vực dưới chân đèo Mimosa và gặp nông gia trẻ Nguyễn Trung Thành đang chăm sóc khu vườn nhà kính 1.000 m2 trồng ớt ngọt baby sau khi thu hoạch mấy lứa rau xà lách, đạt thu nhập ở mức tương đối khá so với các khu vườn xung quanh canh tác các loại rau ngắn ngày khác. Nay trở lại khu vườn nhà kính này, nông gia trẻ Nguyễn Trung Thành đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng hoa chậu luân canh đến hơn mười loại sản xuất theo mô hình hợp tác xã liên kết. Khi phóng viên đặt câu hỏi cơ hội chuyển đổi từ rau sang hoa chậu bắt đầu từ đâu thì Giám đốc Nguyễn Trung Thành liền sôi nổi trả lời: “Khu vực đất dưới chân đèo Mimosa nguyên thủy chất đất sét khai thác làm vật liệu xây dựng. Gần mười năm trước, nông dân ở đây tìm mua “đất thịt” khai thác từ nơi khác chuyển về đắp đổ lên cao, sau đó bón thêm vôi, phân dinh dưỡng các loại để cải tạo, dựng nhà kính lên trồng rau các loại. Nhưng rồi mười năm sau này, các chất dinh dưỡng lớp đất mượn cũng đã dần cạn kiệt, nên người nông dân phải trăn trở tìm tòi các cây trồng chuyển đổi phù hợp và giá trị hơn...”.
Hình thành 10 ha hoa chậu hợp tác
Theo đó, trong vụ dâu tây trồng trong chậu đầu tiên chuyển đổi từ cây ớt ngọt gần ba năm trước, khu vườn của nông gia Nguyễn Trung Thành bất ngờ được nhiều lượt khách du lịch tìm đến trải nghiệm, sau đó đặt mua đưa về chăm sóc cho ra “hoa cảnh” và thu hoạch trái ăn tươi. Không bỏ lỡ cơ hội, Thành bắt tay vào sản xuất đồng loạt dâu tây chậu kinh doanh trên tổng diện tích nhà kính 1.000 m2. Hơn 90 ngày sau, hoa dâu tây nở rộ trên chậu rồi lần lượt đậu trái đến 30 ngày sau nữa đều vào độ chín thu hái. Tuần nào cũng có khách du lịch đến mua sỉ và lẻ hàng chục, hàng trăm dâu tây chậu của Thành. Bán đến cuối tuần thứ tư thì đến những chậu dâu tây nở hoa kết trái trái cuối cùng, cộng lại doanh số gần 10.000 chậu dâu tây, thu về 250 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí đầu tư, số lãi thu về khoảng 140 triệu đồng/1.000 m2/3 tháng. Tính ra số lãi dâu tây chậu hoa và trái “đầu tay” của Thành tăng lên gấp 8 lần số lãi trồng xà lách trong cùng thời điểm.
Đến lứa hoa chậu thứ hai, theo đơn hàng chủ động đặt mua sỉ của khách hàng là các chủ nhà xe tải, nông gia trẻ Nguyễn Trung Thành tiếp tục trồng mới 15.000 chậu cây hương thảo trên diện tích 1.000 m2 nhà kính vừa thu hoạch lứa dâu tây chậu. Lại bán hết nhanh sau 4 tháng trồng, chăm sóc chậu cây hương thảo, Thành quyết định chuyển dịch tất cả 3.000 m2 nhà kính từ trồng các loại rau sang trồng các loại hoa, cây cảnh trong chậu theo đơn hàng như: hoa hồng tỉ muội, sen thơm, sống đời, hương thảo, cúc... Kết quả mỗi năm, Thành xuất vườn bán tại chỗ cho “đối tác xe tải” dừng chân trên dưới 90.000 chậu hoa, cây cảnh, giá mỗi chậu thấp nhất 10.000 đồng, cao nhất 50.000 đồng.
Rồi qua giới thiệu giữa cánh xe tải với nhau, những đơn hàng mua hoa, cây cảnh trong chậu tăng nhanh sau ba năm, nông gia trẻ Nguyễn Trung Thành chủ động tìm từng nông hộ liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đầu tiên liên kết với các nông hộ sản xuất dọc cung đường đèo Mimosa, sau đó mở rộng lên vùng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Đà Lạt, xuống vùng hoa Định An, Phi Nôm, Đức Trọng và xuôi về Bảo Lộc.
Ðầu tháng 8/2018, khi đã liên kết với 15 nông hộ sản xuất ổn định hơn 10 ha hoa chậu đa dạng ở các khu vực này, nông gia trẻ Nguyễn Trung Thành cùng với các “cộng sự” của mình lập thủ tục thành lập và ra mắt HTX Nông nghiệp Mimosa Ðà Lạt.
Ước tính sau một tháng thành lập, HTX Nông nghiệp Mimosa Đà Lạt xuất vườn khoảng 30.000 chậu hoa, cây cảnh, giá bán sỉ cho đối tác từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/chậu. Đơn hàng từ nay đến hết năm 2018, HTX Nông nghiệp Mimosa Đà Lạt tập trung các sản phẩm bán cho các đối tác ở các tỉnh, thành phương Nam gồm hoa chậu ngắn ngày như trạng nguyên, hồng tỉ muội, sen đá, sống đời, đồng tiền... và hoa chậu, cây cảnh dài ngày như tùng búp, đỗ quyên, nhất chi mai... “Những năm tiếp theo, HTX Nông nghiệp Mimosa hướng đến mở rộng các kênh phân phối hoa chậu đến thị trường miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Bởi vậy HTX vẫn đang tích cực xây dựng, nhân rộng số hộ trong và ngoài thành viên HTX liên kết sản xuất phong phú sản phẩm hoa chậu, cây cảnh theo nhu cầu của các thị trường tiềm năng này...”, Giám đốc Nguyễn Trung Thành nêu phương án.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)