1/24/2019 9:17:00 AM
.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng nấm Tú Trân


 Nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng thêm thu nhập cho bà con, Hội Nông dân huyện Lạc Dương đã phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Việt Tân Phúc triển khai mô hình trồng nấm Tú Trân (hay còn gọi là nấm sò) tại xã Ðưng K’Nớ và xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ nông dân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, góp phần cải thiện nguồn kinh tế trong gia đình. 

Chị Hà Thị Lê thu hoạch nấm Tú Trân. Ảnh: T.Hiền
 
Nhân rộng mô hình trồng nấm 
 
Tuy là loại cây trồng mới, nhưng nấm Tú Trân rất thích hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ôn đới. Do đó, UBND huyện Lạc Dương đã chọn Đưng K’Nớ làm “điểm” và chọn 2 hộ sản xuất giỏi, có điều kiện về đất đai, nguồn nước và nguồn nhân lực để thực hiện mô hình trồng nấm. 
 
Ông Cil Jim - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Dương cho biết: “Hiện tại, huyện đang triển khai mô hình trồng nấm tại 2 địa bàn là xã Đưng K’Nớ và xã Đạ Chais. Bởi ở 2 xã này có khí hậu lý tưởng, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Qua quan sát, nhìn chung các hộ dân thực hiện tốt quy trình được hướng dẫn, cây nấm tăng trưởng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cà phê. Chúng tôi cũng đang cố gắng tăng cường phối hợp cùng với các ban, ngành để nhân rộng mô hình đến toàn thể bà con”.
 
Được biết, mô hình được bắt đầu triển khai vào đầu tháng 11/2018. Để thực hiện tốt mô hình trồng nấm Tú Trân, huyện đã hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và mỗi hộ gia đình đầu tư thêm 30 triệu đồng để làm nhà, giàn đặt phôi nấm, trang bị hệ thống tưới phun sương và công chăm sóc. Bên cạnh đó, HTX Việt Tân Phúc còn hỗ trợ thêm 600 bịch phôi nấm và mở các lớp hướng dẫn cách chăm sóc để nấm phát triển một cách tốt nhất cho người dân. Nhờ tuân thủ các quy trình sản xuất đã được hướng dẫn nên sau một tháng triển khai, nấm đã phát triển tốt và đem lại nguồn lợi nhuận cao. 
 
Sau một thời gian tìm hiểu về quy trình trồng và sản xuất nấm, ông Bon Niêng Ha Đăng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đưng K’Nớ mạnh dạn tận dụng hơn 500 m2 đất của gia đình để phát triển cơ sở sản xuất nấm với số vốn hỗ trợ từ huyện cùng nguồn kinh phí gia đình có sẵn. Ông Ha Đăng cho hay: “Ban đầu, tôi chưa nắm bắt được quy trình làm nên cũng gặp khá nhiều khó khăn. Trồng nấm tuy không khó nhưng đòi hỏi bà con phải tỉ mỉ và chịu khó. Đối với loại nấm Tú Trân thì nhiệt độ cần thích hợp nhất là 30-35 độ C, độ ẩm 80 - 90%. Phải chú ý từ độ ẩm, phun nước bao nhiêu lần một ngày, rạch bịch như thế nào cho đúng kĩ thuật để nấm phát triển, cách đặt phôi ra sao”.
 
Hiệu quả mang lại 
 
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở trồng nấm của gia đình, chị Hà Thị Lê (Thôn 1 - xã Đưng K’Nớ) vui vẻ cho hay, việc trồng nấm sò mang lại hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng lại không hề khó như mọi người suy nghĩ và cũng không mất quá nhiều thời gian chăm sóc: “Khi được biết đến mô hình trồng nấm, tôi và ông xã thấy tò mò và muốn thực hiện xem hiệu quả mang lại có cao hơn so với cà phê hay không. Sau gần 3 tháng chăm sóc, nấm đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả cao hơn vợ chồng tôi nghĩ. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí bỏ ra như: nước, điện,... thì gia đình tôi vẫn còn thu nhập được 7 triệu đồng/tháng” - chị Hà Thị Lê chia sẻ.
 
Để đảm bảo nấm sạch, chị Lê luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chăm sóc và trồng nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày. Lán trại trồng nấm được xây dựng kiên cố, thoáng mát, bảo đảm được lượng nhiệt và bố trí xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, nấm của gia đình chị luôn được mọi người ưa chuộng chọn mua.
 
Cũng theo chị Lê, nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, thị trường nấm vẫn luôn ổn định. Hiện tại, HTX sản xuất nấm sạch Việt Tân Phúc đang là “bà đỡ” về nguyên vật liệu cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con tham gia mô hình. Bên cạnh đó, Việt Tân Phúc mua lại và tiêu thụ nấm giúp cho bà con an tâm và rút ngắn thời gian tìm đầu mối để bán. 
 
Tuy thời gian thực hiện chưa lâu, nhưng với sự cố gắng, quyết tâm thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đi mới với hi vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân huyện Lạc Dương dần mở rộng và triển khai mô hình trồng nấm Tú Trân tại các khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống tinh thần và hướng tới giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện.
 
Tuy nhiên, theo ông Thân Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ nhấn mạnh: “Mặc dù hiệu quả của nấm Tú Trân mang lại là cao hơn so với nguồn thu nhập từ cây cà phê, nhưng không vì thế mà thay thế được nó. Bởi cà phê luôn là loại cây trồng truyền thống của người dân bản địa. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư vào cây cà phê bà con có thể đáp ứng được, nó thấp hơn so với nấm Tú Trân rất nhiều”.
 
Được biết, Nấm Tú Trân có nguồn gốc từ Nhật Bản và được xếp hàng đầu trong các loại nấm ngon của xứ sở hoa anh đào, dễ ăn, dai, giòn và rất thơm. Bên cạnh đó, nấm Tú Trân mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. 

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,271,233.00