Vài năm nay, Cục Thuế tỉnh Lâm Ðồng thực hiện triển khai một số đề án quản lý thuế do UBND tỉnh ban hành. Tính riêng năm 2018, gần 3.400 tỷ đồng đã được thu qua các đề án quản lý thuế, trong tổng số 4.250 tỷ đồng ngành Thuế thu được, chiếm tỷ lệ khoảng 80%, cho thấy tính hiệu quả, hiệu lực của các đề án quản lý thuế.
![]() |
Hoạt động kinh doanh xăng dầu là một trong nhiều lĩnh vực được thực hiện quản lý thu thuế qua đề án.Ảnh: L.Hoa |
Lâm Đồng đang triển khai thu thuế qua các đề án bao gồm: “Quản lý thuế kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng dự án”, “Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”, “Tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu”, “Quản lý thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, “Đổi mới công tác quản lý thuế đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống”.
Những đề án này khi ban hành đã đảm bảo hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý, để đảm bảo tính thống nhất giữa cơ quan quản lý - mà nòng cốt là cơ quan thuế các cấp với các cơ quan phối hợp và người nộp thuế để các bên cùng biết, nghiên cứu và thống nhất thực hiện; đồng thời, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, cũng như tính đồng bộ trong thực hiện pháp luật thuế. Các đề án còn đảm bảo nội dung cụ thể về trách nhiệm, nhiệm vụ cũng như giải pháp cho các ngành; trong đó, phân công rõ ngành Thuế làm gì, các ngành làm gì, các hiệp hội làm gì? Đề án cũng đưa ra một số giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ cho công tác quản lý thuế. Ví dụ, việc lắp công-tơ vào các trụ bơm để quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; hay việc triển khai hệ thống phần mềm theo dõi khách lưu trú để phục vụ cho hệ thống quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh lưu trú.
Các đề án cũng nhằm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trong đó đảm bảo quy định về giải quyết hồ sơ công tác quản lý thuế, công tác chống thất thu thuế, xử lý vi phạm hành chính thuế; đồng thời, rút gọn thời gian, rút gọn về hồ sơ giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trên địa bàn.
Các đề án cũng hướng đến mục tiêu ngăn ngừa, phòng chống các hiện tượng gian lận, buôn lậu, vi phạm pháp luật thuế đối với các lĩnh vực được nêu trong đề án.
Thời gian vừa qua, các đề án mà ngành Thuế triển khai đã góp phần tăng thu, đặc biệt trong năm 2018, lĩnh vực bất động sản có tổng số thuế thu được 1.027,4 tỷ đồng, bằng 125% so cùng kỳ; lĩnh vực kinh doanh xăng dầu số thuế đạt 449,8 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; lĩnh vực dịch vụ lưu trú, du lịch và ăn uống số thuế đạt 305 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và cấp quyền khai thác khoáng sản có số thuế 1.557,5 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải số thuế đạt 59,8 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Có thể nói, thông qua việc thực hiện đề án số thu đã tăng lên, công tác quản lý cũng chặt chẽ hơn và đảm bảo tính xuyên suốt từ cấp tỉnh đến các huyện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đề án, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại, hoặc không còn phù hợp cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung...
Ông Trần Phương - Phó Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, đưa ra các dẫn chứng cho hay: Một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành có thay đổi về công tác quản lý thuế, về phương pháp tính thuế; hoặc, trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển, cần bổ sung thêm các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, trong triển khai các đề án. Mặt khác, cũng cần bổ sung thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trong đề án đối với cơ quan thuế và các ngành; xuất phát từ chủ trương cải cách hành chính, cũng cần rà soát lại xem những văn bản nào đã đưa vào các đề án, nhưng đến nay không còn phù hợp thì cần loại bỏ, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện công tác kê khai, đăng ký, nộp thuế, hoàn thuế...
Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền, ngành Thuế và các cơ quan liên quan đã triển khai quyết liệt, nhưng ở một số lĩnh vực, như kinh doanh vận tải, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động khoáng sản... quản lý theo đề án cũng còn những điểm chưa thật sự chặt chẽ, vẫn còn bỏ qua thuế, chưa quản lý hết nguồn thu. Do đó, cần phải bổ sung những giải pháp phù hợp với thực tế, để đảm bảo tính đồng bộ giữa ngành Thuế và các ngành liên quan; cũng như phát huy được tính chủ động của ngành Thuế trong việc tổ chức, tham mưu, triển khai công tác quản lý thuế trên địa bàn toàn tỉnh.
(Báo Lâm Đồng Online)