Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) ở Lâm Ðồng có những bước phát triển vượt bậc và là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp và thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích. Có được kết quả này, Agribank Lâm Ðồng đã để lại dấu ấn rất lớn, thông qua cung cấp các gói tín dụng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, NNUDCNC, chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô…
![]() |
|
Công ty (Cty) TNHH Trang trại Lang Biang có 3 cơ sở sản xuất chính với diện tích hơn 27 ha, gồm rau hoa, dâu tây, du lịch, giá thể, phân sinh học và thử nghiệm các loại giống mới. Sau rất nhiều năm vật lộn trong lĩnh vực nông nghiệp, Cty Lang Biang Farm đã quyết định đầu tư chuyên sâu vào hoa cẩm chướng - loại hoa có thế mạnh rất lớn ở Đà Lạt, ngoài việc tiêu thụ rất mạnh ở thị trường nội địa, còn có khả năng xuất khẩu. Ông Trần Huy Đường - Giám đốc Cty chia sẻ: Hoa công nghệ cao ở Đà Lạt cần vốn đầu tư lớn, nhưng cho thu nhập cao, bình quân từ 4-7 tỷ đồng/ha/năm. Với rất nhiều ý tưởng đang được triển khai, chúng tôi đã tin tưởng, chọn Agribank làm đối tác đồng hành cùng Lang Biang Farm, với dư nợ gần 20 tỷ đồng. Cty hầu như chỉ vay ở Agribank và gắn kết với Agribank qua những giai đoạn khó khăn, nên có sự hợp tác được 20 năm rồi…
Cũng có niềm tin với Agribank như Cty Lang Biang Farm, ông Huỳnh Tấn Sơn - Giám đốc Cty Hoa Mặt Trời, cho biết: Cty bắt đầu vay vốn Agribank từ năm 2008, với hạn mức 40 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, giúp Cty có nguồn vốn ổn định, tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng nguồn hoa xuất khẩu khoảng 2 triệu cành/năm sang thị trường Nhật Bản được đánh giá cao, doanh nghiệp an tâm sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Đồng: Trong 30 năm xây dựng và phát triển, trên hành trình lớn mạnh, Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng luôn đảm trách những nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp - nông thôn, khẳng định vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng, với hơn 92,5% tổng dư nợ đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn (tương ứng 16.610 tỷ đồng), nguồn vốn của Chi nhánh đã trực tiếp tạo lực đẩy đối với “tam nông” trên địa bàn tỉnh nhà.
Tuy nhiên, dù dư nợ của Agribank luôn có đến 90% thị phần cho vay nông nghiệp, nông thôn, nhưng, khoản cho vay NNUDCNC chưa được nhiều vì còn nhiều vướng mắc, cần được nghiên cứu giải quyết để có những giải pháp cụ thể, tháo gỡ để đưa được nguồn vốn đầu tư vào NNUDCNC, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển.
Những vướng mắc của NNUDCNC không chỉ Agribank và tỉnh Lâm Đồng giải quyết mà cần có sự vào cuộc của các bộ ngành, Chính phủ để có những chính sách mang tầm vĩ mô, những tiêu chí về NNUDCNC được xác định giá trị trong thủ tục vay vốn…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Đoàn Văn Việt, trong bài phát biểu chào mừng nhân kỷ niệm 30 năm Agribank có mặt trên vùng đất Nam Tây Nguyên, đề nghị Agribank ưu tiên nguồn vốn hợp lý, tăng trưởng tín dụng bền vững, quan tâm chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp và mô hình NNUDCNC; đề xuất và kịp thời triển khai cho vay đối với hệ thống nhà kính, nhà lưới và nghiên cứu sử dụng hệ thống nhà kính, nhà lưới là tài sản bảo đảm cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ và mở rộng, đầu tư tín dụng cho “tam nông”, góp phần gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, đẩy mạnh dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, vì một nền nông nghiệp xanh - sạch.
Trải qua gần 15 năm, từ khi Lâm Đồng bắt đầu xác định NNUDCNC là một trong sáu chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương (năm 2004), tổng diện tích, thu nhập bình quân/ha, tổng vốn đầu tư cho NNUDCNC liên tục tăng lên và cho thu nhập cao gấp nhiều lần bình quân cả nước, đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Lâm Đồng về phát triển NNUDCNC, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của nông dân Lâm Đồng và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp, nông thôn Lâm Đồng nói riêng. Đến nay, Lâm Đồng có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau, hoa, cà phê, chè, cây dược liệu, cá nước lạnh và chăn nuôi bò sữa. Cả nước có 25 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” thì Lâm Đồng có 9 doanh nghiệp.
Qua thực tiễn tại Lâm Đồng, một lần nữa khẳng định, đầu tư NNUDCNC đã đem lại lợi nhuận lớn, góp phần chuyển biến mạnh mẽ tư duy làm kinh tế nông nghiệp của doanh nghiệp và nông dân Lâm Đồng. Hiện nay, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm sự phát triển bền vững, trong đó chú trọng phát triển NNUDCNC, công nghệ sinh học, gắn với công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại.
(Báo Lâm Đồng Online)