1/10/2018 10:59:00 AM
.

Du lịch Lâm Đồng - một năm khởi sắc


 Năm 2017, lần đầu tiên, Đà Lạt - Lâm Đồng thu hút gần 6 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng…

Du khách tham quan Festival Hoa Đà Lạt

Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền

Năm 2017 là năm đầu tiên trong hơn 10 năm qua, lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng khá cao: 5.948.300 lượt (tăng 9% so với năm 2016); đặc biệt, khách quốc tế tăng đột biến 35,6% (400 nghìn lượt); khách nội địa 5.548.300 lượt (tăng 7,5%); tổng thu từ du lịch trên địa bàn đạt gần 11.000 tỷ đồng...

Đây là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, sự “vào cuộc” nhịp nhàng, hiệu quả của các sở, ban, ngành và của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh cạnh tranh của địa phương tập trung phát triển du lịch bền vững; thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận của tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết 03 NQ/TU, ngày 13/9/2016 về phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030 và Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 16/11/2016 về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ các nghị quyết của Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các ngành, đoàn thể liên quan trong tỉnh; nhất là ngành VHTTDL đã tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tập trung phát triển du lịch đem lại những kết quả rất khả quan trong năm 2017, tạo đà thuận lợi để năm 2018 và những năm tiếp theo, đưa du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành điểm sáng trong cả nước.

Những kết quả nổi bật

Có thể nói, năm 2017 ngành Du lịch Lâm Đồng khá “bận rộn” bởi nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng đã diễn ra trên địa bàn. Ngoài chỉ đạo triển khai các hoạt động văn hóa, lễ hội, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân và khách du lịch trong các dịp lễ với hàng loạt hoạt động “lễ hội mùa Hè”, “lễ hội mùa Đông”, “ca nhạc thời trang”, “Đêm rock Tây Nguyên”… Sở VHTTDL đã tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động có quy mô quốc gia và quốc tế về đầu tư phát triển du lịch.

Năm 2017, UBND tỉnh đã triển khai các chương trình liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các tỉnh, thành phố trong nước như: Chương trình “4 địa phương - một điểm đến” (giữa Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk với TP. Hà Nội); hay Chương trình hợp tác phát triển tour “Một chuyến đi - nhiều điểm đến” (hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017- 2020) nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa và những sản vật vốn có của từng địa phương, từng vùng miền để xây dựng các tour du lịch thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.

Cũng trong năm qua, nhiều hoạt động tập trung phát triển du lịch đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo thực hiện như: Phát động triển khai “Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch” (của Bộ VHTTDL) trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh” (ưu tiên 9 lĩnh vực “thông minh”: chính quyền, nông nghiệp, du lịch, môi trường, an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế và giao thông); Triển khai “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Chính phủ phê duyệt; tổ chức Hội thảo “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Quảng bá hương hiệu“Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” (4 sản phẩm, loại hình là rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông) của TP. Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà; chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam thực hiện việc quy hoạch lại trục du lịch, cảnh quan Bắc - Nam của TP. Đà Lạt (có tổng diện tích hơn 70 ha)…

Sở VHTTDL và UBND thành phố Đà Lạt đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động: Tổ chức 5 tour đi bộ gắn với các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn TP. Đà Lạt; chọn xã Tà Nung (xã đồng bào DTTS bản địa) chỉ đạo khôi phục và phát triển 5 nghề truyền thống đặc trưng (sản xuất thổ cẩm dân tộc; gùi mây, tre, làm rượu cần, làm cung nỏ và chăm sóc bầu hồ lô); Sở VHTTDL chủ trì tổ chức lớp đào tạo mô hình “du lịch canh nông” cho 60 học viên là chủ các hộ gia đình sản xuất nông sản công nghệ cao trên địa bàn Đà Lạt; tổ chức 2 khóa tập huấn nghiệp vụ về du lịch thể thao mạo hiểm (DLTTMH) cho 60 hướng dẫn viên của các công ty lữ hành trong toàn tỉnh, do Hiệp hội leo núi Singapore và Tổng cục TDTT hướng dẫn và đã cấp chứng nhận cho 10 công ty đủ điều kiện tổ chức DLTTMH trong tỉnh...

Để chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động du lịch, Sở VHTTDL phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 425 đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; phát hiện xử phạt hành chính hàng chục trường hợp và rút Giấy phép một số đơn vị có nhiều sai phạm; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiên quyết “xóa” nạn cò mồi, chèo kéo khách du lịch gây bức xúc dư luận trong những tháng đầu năm 2017 nhằm củng cố hình ảnh du lịch Đà Lạt trong tình cảm du khách...

Năm 2017 trên địa bàn Đà Lạt - Lâm Đồng diễn ra khá nhiều sự kiện văn hóa, du lịch: Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ nhất; Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII; cùng với Khu du lịch hồ Tuyền Lâm Đà Lạt được công nhận Khu du lịch quốc gia; Thành phố Đà Lạt được trao Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”... Những điều kiện đó đã góp phần làm cho Đà Lạt thực sự trở thành “điểm đến” vô cùng lý tưởng, hấp dẫn. 

(http://baodulich.net.vn/)

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,451,888.00