Khởi động từ năm 2016, đến nay, Dự án VnSAT (phát triển cà phê bền vững) tại Lâm Đồng đã triển khai hàng loạt các nội dung, trọng tâm là đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê cho các hộ nông dân, xây dựng các mô hình tái canh và sản xuất bền vững; hỗ trợ xây dựng hạ tầng, mua sắm thiết bị sản xuất, nhằm tăng thêm điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ nông dân làm cà phê.
![]() |
Mô hình sản xuất cà phê bền vững |
Trong 3 năm qua, Dự án VnSAT đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật như Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm giống - vật tư nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ thực vật,… tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê cho hơn 10 ngàn lượt hộ nông dân, với diện tích trên 11 ngàn hecta cà phê; xây dựng hàng trăm mô hình tái canh và sản xuất bền vững; củng cố, phát triển các HTX, THT, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cùng đó, dự án cũng đã hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng- đường giao thông nông thôn, nhà kho, cho các tổ chức nông dân tại 5 xã: Liên Hà, Đông Thanh, Gung Ré, Lộc Phát, Lộc Thanh. Sắp tới, dự án tiếp tục triển khai các tiểu dự án về hạ tầng, thiết bị sản xuất, mô hình tưới tiết kiệm tại các xã thuộc huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Lâm Hà, Di Linh...
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sau 3 năm triển khai, hoạt động của dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) đã có tác động tích cực đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là 2 ngành lúa gạo và cà phê. Cụ thể, với hợp phần lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, thực hành canh tác lúa gạo bền vững đạt gần 85 ngàn hecta và mức lợi nhuận cho nông dân đạt 21%, (vượt mục tiêu 50.000ha; và 10% lợi nhuận); Với hợp phần phát triển cà phê tại Tây Nguyên, thực hành canh tác bền vững đạt gần 22 ngàn hecta (vượt mục tiêu 20.000ha vào năm thứ 3); mức tăng lợi nhuận 4,5%, tuy chưa đạt mục tiêu tăng 10%, nhưng đây là kết quả rất đáng kể, do giá cà phê thế giới tiếp tục giảm mạnh trong các năm qua. Mức tăng lợi nhuận này đạt được do nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Tại Lâm Đồng, sản xuất bền vững, thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt đang là hướng đi mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)