Sau hơn 6 năm trồng và chăm sóc, đến nay việc trồng cao su tập trung ở buôn Con Ó, xã Mỹ Ðức, huyện Ðạ Tẻh đã cho thu hoạch mủ lứa đầu tiên trong niềm vui mừng của người dân. Ðây là mô hình trồng cao su tập trung có tính đột phá đầu tiên trong toàn tỉnh đối với việc phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh và huyện Đạ Tẻh thăm mô hình trồng cao su tập trung tại buôn Con Ó. Ảnh: Đ.A |
Thành quả đầu tiên
Chiều muộn, anh K’Đơn (33 tuổi) cùng với một số anh em khác trong buôn Con Ó khăn gói đồ đạc để lên vườn cao su tập trung cách nhà khoảng 15 km để chuẩn bị cho buổi cạo mủ sớm mai. Gia đình anh K’Đơn là một trong 11 hộ đầu tiên được thu hoạch mủ cao su sau hơn 6 năm trồng và chăm sóc tập trung cùng với 62 hộ dân khác trong buôn. Anh bảo đây là thành quả đầu tiên nên mọi người đều rất vui mừng và không còn nghi ngờ gì nữa về hiệu quả của trồng cây cao su sau một thời gian trồng và chăm sóc kéo dài. “Từ năm 2012, gia đình tôi được tham gia vào dự án trồng cao su tập trung tại buôn Con Ó với diện tích nhận chăm sóc là 1 ha. Đến nay, đã có 240 cây cao su trong tổng số 500 cây đã có thể cạo được mủ. Với lượng cây cho mủ như hiện tại thì mỗi tháng gia đình tôi kiếm được hơn 4 triệu đồng. Số tiền này đã giúp tôi xoay xở được cho sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt, tôi đã có thể mua tôn để lợp lại mái nhà. Sang năm, khi tất cả những cây cao su còn lại cho thu hoạch thì gia đình tôi sẽ có nguồn thu nhiều hơn và ổn định hơn. Từ trước đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi mới nhận thấy mình thực sự có tài sản và tài sản là vườn cao su đó đang đem lại nguồn thu nhập chính và lâu dài cho gia đình. Do đó, tới đây nếu được cấp sổ riêng thì tôi sẽ cố gắng giữ lấy tài sản này dù có ai hỏi mua cũng không bán” - anh K’Đơn chia sẻ.
Trước khi nhận đất trồng cao su tập trung, anh K’Đơn cũng giống như nhiều hộ dân khác tại buôn Con Ó sống chủ yếu dựa vào việc khai thác lâm sản phụ, chăm sóc ít vườn điều. Rất nhiều hộ trong số đó đã từng được cấp đất sản xuất, cấp giống dê, bò và các loại cây trồng để phát triển sản xuất. Thế nhưng, đất thì bán, cây con giống thì không được chăm sóc đến nơi đến chốn nên đa phần đều thất bại. Ngay khi tham gia vào dự án trồng cao su tập trung này, tâm lý của rất nhiều bà con vẫn không tin tưởng, còn hoài nghi về tính hiệu quả của dự án. Anh K’Túc, Trưởng Thôn 8 (buôn Con Ó), cho biết: “Sự hiểu biết, nhận thức của bà con là một trong những trở ngại lớn khi triển khai dự án. Chính vì vậy, mình phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền cho bà con hiểu từ việc trồng, bón phân, xịt thuốc, làm cỏ. Sau một thời gian, hiểu biết của bà con đã được nâng lên. Đến hiện tại, khi thấy 11 hộ có thu hoạch mủ cao su thì tâm lý của bà con rất phấn khởi, không còn hoài nghi như trước nữa và đang cố gắng chăm sóc để vườn cao su của mình được thu hoạch sớm”.
Buôn Con Ó có 150 hộ dân đồng bào Châu Mạ sinh sống. Ngoài 62 hộ dân tham gia dự án trồng cao su tập trung thì trước đây các hộ dân khác cũng đã thụ hưởng nhiều dự án, chính sách từ Chương trình 30a. Riêng đối với các hộ trồng cao su tập trung, trong suốt thời gian trước khi cho thu hoạch, chính quyền địa phương từ huyện đến xã đã hỗ trợ rất nhiều bằng kỹ thuật, ngày công lao động, hỗ trợ bằng phân bón, tiền xăng xe đi lại… Khi cao su có thể thu hoạch thì bà con được tập huấn kỹ thuật mở miệng, cạo mủ nên đến nay đa phần bà con đều đã biết các kỹ thuật này. Theo anh K’Túc, việc trồng cao su tập trung như hiện tại có hiệu quả hơn vì bà con cùng nhau giữ được đất, không để xảy ra tình trạng như trước đây là cấp đất tới đâu bà con sang nhượng tới đó. Ngoài ra, trong năm tới, khi toàn bộ hơn 60 ha cao su tại đây cho thu hoạch đồng loạt thì sẽ tạo nguồn thu đều đặn hàng tháng, giúp bà con ổn định cuộc sống. Dù hiện tại, giá mủ cao su không được cao nhưng nguồn thu này đã giúp cho bà con nơi đây rất nhiều.
Kỳ tích
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho rằng, để có những thành quả đầu tiên từ vườn cao su tập trung ở buôn Con Ó như hiện nay quả thật là một kỳ tích. Kỳ tích ấy là thành quả của cả một quá trình dài, từ việc xây dựng đề án đến việc thực hiện đề án. “Lý do để huyện quyết định phải trồng cao su tập trung, không cấp đất riêng lẻ cho từng hộ, là để giúp bà con giữ được đất. Khi bà con đã giữ được đất, giữ được tư liệu sản xuất rồi thì mới tính đến chuyện trồng cây và chăm sóc như thế nào. Tất cả các phương án từ quy hoạch, làm đường sá, phân lô, chia diện tích, chia tổ đều được tính toán kỹ lưỡng và có bước đi phù hợp. Đơn giản như việc chia tổ, huyện cũng không áp đặt mà để bà con tự lựa chọn những người phù hợp vào cùng một tổ để có sự gắn kết và làm lâu dài với nhau. Tổ nhiều thì được phân lô nhiều, tổ ít thì phân lô ít, quan trọng là làm sao để bà con tự giác bảo ban nhau cùng làm. Ban đầu, bà con không tin có ngày mình được trực tiếp cạo mủ, được bán mủ cao su nhưng đến nay thì suy nghĩ đó đã được xua tan. Có thể khẳng định việc trồng cao su tập trung ở buôn Con Ó đã thực sự thành công. Đây là mô hình có tính đột phá đầu tiên trong toàn tỉnh đối với việc phát triển sản xuất vùng đồng bào DTTS.
Ngoài đề án trồng cao su tập trung tại buôn Con Ó, huyện Đạ Tẻh còn triển khai đề án trồng cao su tập trung tại buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai) với diện tích 120 ha cho 120 hộ đồng bào DTTS gốc địa phương. Cũng bằng cách thức như tại buôn Con Ó, đến nay, toàn bộ diện tích cao su tại đây đã phát triển tốt và sang năm 2019 thì có khoảng 50 ha cho thu hoạch. Còn tại buôn Tố Lan (xã An Nhơn), huyện Đạ Tẻh lại triển khai dự án trồng tre tầm vông với diện tích 25 ha cho 20 hộ dân. Dự kiến, sang năm sau thì số diện tích tre tầm vông này cũng cho thu hoạch.
“Trong năm 2018, huyện Đạ Tẻh giảm 1,3% tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,4%. Riêng tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS là 6,5%. Nếu tính toán ở mức thấp nhất thì cao su và tre tầm vông cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Với mức thu nhập này thì đến năm 2020, về cơ bản các buôn đồng bào DTTS này sẽ giảm được tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng với tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện. Và đặc biệt, việc giảm nghèo này sẽ mang tính chất bền vững vì thời gian thu hoạch của cao su, tre tầm vông kéo dài từ 15 - 20 năm” - ông Hùng chia sẻ.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)