Mùa đẹp nhất của Tây Nguyên, mùa hứa hẹn cho sự ấm no của nhiều nhà, là mùa này, khắp triền đồi của vùng đất đỏ bazan màu mỡ hoa cà phê nở trắng điểm tô cho sắc màu mới của núi rừng vốn dĩ xanh tươi.
![]() |
Ông Ka Bin - thôn Nao Sẻ, xã Gia Bắc, huyện Di Linh cảm nhận về hương sắc của hoa cà phê vườn nhà. Ảnh: D.Hiền |
Đi trong mùa hoa cà phê rộ nở, ngắm từ xa, những triền đồi trông như được phủ tuyết trắng xóa, lúc này vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng được nhân lên kiều diễm, tráng lệ. Không phải là màu trắng của thác nước tuôn trào, màu của dòng suối mát hiền hòa tuôn chảy, màu trắng của hoa cà phê như ngưng đọng, êm đềm một vùng đồi. Nơi hoa cà phê ngự trị không có màu sắc nào có thể lấn át được không gian núi đồi nở hoa trắng xóa, loài hoa cao nguyên độc đáo được trồng từ bàn tay của những người nông dân thuần phác làm nên thức uống kỳ diệu cho những tín đồ cà phê.
Ở một buôn làng của người K’Ho lâu đời, thuộc vùng xa thứ nhì của huyện Di Linh, những ngôi nhà được phủ một màu trắng êm đềm của hoa cà phê. Mở cửa là thấy hoa, hoa ngay trên mái nhà mộc mạc, hương hoa len vào nhà như rủ rê những đứa trẻ chân đất ra vườn nhặt hoa chơi, thứ đồ chơi đẹp đẽ trong đời của trẻ em vùng sâu. Còn với người già như ông Ka Bin, 53 tuổi, ở thôn Nao Sẻ - xã Gia Bắc, đang ngồi trước cửa nhà ngắm hoa cà phê, thấy khách lạ tới vườn tự nhiên hóa thành thân quen nhờ vườn hoa cà phê như nhịp cầu nối sự thân thiện. Ông Ka Bin cười nói với chúng tôi qua kinh nghiệm theo dõi những mùa hoa cà phê: “Khi đến mùa hoa cà phê nở tôi đi ra vườn nhiều lần hơn để xem hoa nở, mùi thơm rất ngọt. Tôi đã 25 năm trồng cà phê rồi, hiện nhà có 1 mẫu. Hoa cà phê nở tùy theo mỗi năm, nếu mưa sớm thì cà phê nở hoa 2 đợt, còn mưa không nhiều thì nở 2-3 đợt và nở khoảng 1 tuần thì hoa rụng, kết trái. Mùa này tưới nước hoa nở rộ. Nếu tự tưới nước thì cà phê không ra hoa hàng loạt, cây có đủ nước thì nở hoa nhiều và cây thiếu nước thì hoa nở ít nhưng trời có mưa thì cà phê ra hoa hàng loạt. Cứ vào tháng ba, cà phê ra hoa, do năm nay mưa sớm nên chắc hoa chỉ nở 1 đợt thôi”.
Cơn mưa vàng đầu năm 2019 người trồng cà phê vùng Nam Tây Nguyên phấn khởi bởi ông trời tưới tắm cho vườn rẫy cà phê nở hàng loạt. Loài hoa cà phê nở vào mùa khô, là mùa tưới nước cật lực của người trồng để cây ra hoa, nhờ gặp cơn mưa vàng hoa cà phê nở và lòng người cũng nở hoa.
Ông Ka Bin đưa chúng tôi ra vườn cà phê và chỉ vào một cành hoa giải thích: “Hoa cà phê nở đều là mình thấy nó đẹp, bà con cũng phấn khởi. Ngược lại, năm nào hoa nở ít thì mình buồn, nhìn hoa nở biết là được mùa hay không. Năm nay, thì vườn này chỉ được mùa 50/50 vì bông mới nở là gặp mưa dầm, nếu hoa cà phê nở được ba ngày thì quá ngon, còn mà buổi sáng hoa nở chiều có mưa thì hoa hư hết, đó là cơn mưa buồn”.
Ngắm từng chùm hoa cà phê chi chít, ông Ka Bin giải thích cho chúng tôi biết mấy cây cà phê này hoa nở đã 3 ngày rồi và ông chỉ tay vào cái hoa hư do mới nở gặp mưa dầm hoa bị ngả màu đen: “Cành hoa này nở không đẹp, có chỗ hư, chỗ không hư, phải nở đều mới đẹp. Vườn cà phê có hoa nở đều là thích lắm vì sẽ được đậu trái đều mà không đậu trái thì buồn. Nhìn vào sắc hoa cà phê là biết được mùa hay không, như cây hoa này đâu có được mùa, chỉ là 50-60% thôi, do hoa hư hết rồi. Nếu không hư, hoa nở đều, trái nở đều thành chùm là vui”.
Em của ông Ka Bin là chị Ka Nhễ cũng trồng 2 sào cà phê quanh nhà. Chị nói: “Hôm qua hoa nở nhiều hơn, hôm nay đã khô héo rồi. Chị vào nhà lấy chai mật ong được đựng trong vỏ chai nước ngọt cho chúng tôi xem và bảo đây là mật ong lấy từ vườn cà phê. Thường khi hoa cà phê nở đầu mùa tỏa mùi hương nồng nàn pha lẫn vị ngọt ngào quyến rũ, khiến những chú ong rừng bay về mải mê hút mật, sớm thì 2-3 tuần là có mật, loại mật ong nguyên chất. Chị Ka Nhễ khoe: “Đây là mật ong năm ngoái lấy ở vườn cà phê quanh nhà mình. Năm nay hoa mới nở nên chưa thấy ong làm tổ, cứ chờ đến khi nó kết trái thì mới có mật, khoảng 1 tháng sau có mật”.
Với chàng trai núi rừng Ka Nôm, 21 tuổi, là con của chị Ka Nhễ thì cà phê gắn bó với tuổi thơ của anh, mỗi năm hoa cà phê nở, mở cửa nhà là thấy hoa cà phê trắng muốt ngát hương. Ka Nôm chia sẻ: “Khi hoa cà phê mới nở thì mới có mùi thơm, nó làm cho con ong đến hút mật. Mình như nghe mùi thơm của hoa đậm đà, hít vào rất thích nên khi mình đi xa làng là mình vẫn nhớ mùi hương quen thuộc này, sâu lắng, khó quên. Mỗi khi hoa cà phê nở, rất nhiều ong bướm đến, ong hút mật do vị ngọt của hoa, qua mùa hoa mình phát hiện nhiều tổ ong lấy mật dùng cho gia đình”.
Một loài hoa không chỉ kết trái mà còn dâng mật ngọt cho đời, hoa cà phê không lạ gì với người Tây Nguyên nhưng mỗi khi hoa nở, những bông hoa trắng như tuyết vẫn có sức lay động cung bậc mới trong xúc cảm của con người ở vùng đất bazan. Vui, buồn từ mùa hoa. Ông Ka Nêm, 53 tuổi, cũng ở thôn Nao Sẻ cho biết: “Tôi mới trồng cà phê được 7 năm. Lúc đầu không biết cà phê thế nào, chỉ biết cây cà phê xóa đói giảm nghèo. Chăm sóc nó là 1 năm tưới 1-2 lần, mùa này là mùa khô phải tưới 2-3 lần thì cây mới ra hoa. Lúc nở hương hoa rủ ong về, nhiều nhà nuôi ong thì đặt thùng ong trong vườn để ong hút mật trong suốt mùa hoa nở, còn gia đình tôi không nuôi ong. Cây cà phê ra hoa vào mùa khô nên ta phải chủ động tưới nước thì nó mới ra hoa kết trái. Riêng năm nay, đợt mưa vừa rồi gọi là cơn mưa vàng trái mùa giảm được phần dầu nước công cán rất nhiều. Nhìn hoa nở tôi rất thích bởi màu trắng và bởi mùi thơm không nồng nặc mà đã làm cho cả rẫy cà phê thơm, hoa nở thơm lừng đến khi kết trái đem rang xay lại cho ra mùi thơm đặc trưng độc đáo của cà phê. Loài cây mỗi năm trổ hoa 1-2 lần thôi, không nhiều lần như những cây hoa khác”.
Bên vườn cà phê nở hoa, câu chuyện về hương sắc cà phê không dừng lại khi ông Ka Nêm bày tỏ nỗi lo thầm kín: “Tôi chỉ sợ sương muối, hoa cà phê đang nở gặp sương muối là tôi đau lòng lắm”. Ở những buôn làng lâu đời của người đồng bào K’Ho xã Gia Bắc mùa này sương mù dày đặc, hoa cà phê vẫn sáng bừng dưới lớp sương mờ ảo. Ai bảo người Tây Nguyên không nâng niu, trân quý hoa cà phê?!
(Báo Lâm Đồng Online)