Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (2015-2020) cũng như Nghị quyết Đảng bộ thành phố Đà Lạt đều hướng tới đích đến là Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
![]() |
Thành phố Đà Lạt từng ngày chuyển mình đi lên. Ảnh: T.Xuyên |
Trong mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X đề ra, bên cạnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là: thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận cơ bản đủ tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Đà Lạt không đơn thuần là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng trong hơn 4 thập kỷ qua, mà địa phương này vừa là đầu tầu của sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng, vừa là trung tâm của nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội có tầm ảnh hưởng của cả khu vực. Bởi thế, ngay tại Nghị quyết lần thứ XI Đảng bộ thành phố Đà Lạt cũng xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2015 - 2020) nhằm “xây dựng thành phố Đà Lạt toàn diện, bền vững, hướng đến văn minh, hiện đại”. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 110 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2020 về dịch vụ - thương mại đạt từ 67 - 67,5%, công nghiệp - xây dựng 18 - 18,5%, nông nghiệp 14 - 14,5%. Và vào năm 2020, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,2 - 0,3%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 có 60% trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 80%...
Hòa vào xu thế hội nhập và phát triển, tỉnh và thành phố đều quyết tâm dồn trí tuệ và tâm huyết cùng cả hệ thống chính trị vận hành để đến đích một thành phố Đà Lạt mở như đã xác định. Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức để tập hợp trí tuệ, tổng hợp hàm lượng “chất xám” cho công tác kiến trúc, xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt theo định hướng của Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đó là một thành phố có tính chất “là Trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước”. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đối với Lâm Đồng và Đà Lạt rất rõ: Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Mục tiêu phát triển là “Bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế”. Với định hướng quy hoạch chung này, thành phố Đà Lạt đang tích cực triển khai thực hiện 5 đồ án quy hoạch chung đô thị và 3 quy hoạch chung khu du lịch, 3 quy hoạch chung khu chức năng đặc thù...
Như đã nêu, nhiều hội thảo, hội nghị khoa học được tỉnh tổ chức tập trung đến nhiều nội dung hết sức quan trọng. Từ nhận diện đâu là “sắc thái địa phương” để vừa bảo tồn vừa phát huy trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt, đến “Xây dựng Đà Lạt trở thành “thành phố thông minh” giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” như thế nào và “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung (thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”... Cũng theo định hướng đó, địa phương Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan trung ương tổ chức nhiều hội nghị bàn sâu về những thế mạnh của Đà Lạt - Lâm Đồng như nông nghiệp, du lịch, kiến trúc... Đơn cử, đó là “Hội nghị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng, kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc”. Một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ năm 2003; trong đó, thành phố Đà Lạt đã được Chính phủ công nhận là một trong 10 trung tâm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước, Đà Lạt đã và đang ngày càng gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ. Tại Festival Hoa Đà Lạt diễn ra ngày 23/12/2017, thành phố Đà Lạt chính thức công bố thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” do Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ chứng nhận. Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ niềm vui và chúc mừng địa phương, đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm: “Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong thời gian tới”. Lâm Đồng và Đà Lạt đã đạt tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp toàn tỉnh và lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với doanh thu, chắc chắn từ đây ngành nông nghiệp của địa phương sẽ tiếp tục cất cánh bay cao hơn trong lộ trình của “nông nghiệp thông minh” mà tỉnh và thành phố Đà Lạt đang triển khai.
Hòa vào dòng chảy nhanh của thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) với khoảng 40 đô thị trên cả nước, Đà Lạt - “thành phố thông minh” (Smart City) đã được tỉnh lựa chọn 9 lĩnh vực ưu tiên xây dựng và phát triển trước mắt.
Cùng với “nông nghiệp thông minh”, đó còn là: chính quyền điện tử, du lịch, môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông và an ninh. Rồi đây, một Đà Lạt - “thành phố thông minh” sẽ cải thiện và đáp ứng nhiều mặt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống như: Tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước; Tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực; Nâng cao chất lượng sống và làm việc; Quản trị đô thị thông minh; Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững thông qua nền nông nghiệp thông minh thân thiện với môi trường và phát huy ngành du lịch như một động lực của thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - ông Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh: Xây dựng đô thị thông minh là chủ trương của Đảng, Chính phủ và xu hướng của thế giới, nhu cầu của người dân. Vì vậy đề án này là một trong những nhiệm vụ rất lớn của địa phương Lâm Đồng; lãnh đạo các ngành, địa phương liên quan cần xác định rõ trách nhiệm của mình; cần quán triệt sâu rộng trong tập thể cán bộ, công chức của đơn vị để có kế hoạch hành động cụ thể.
Ngày 27/1/2018, thành phố Đà Lạt cũng công bố chính thức Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (ESC)” lần thứ 4 cho thành phố Đà Lạt. Đây là niềm vinh dự cho Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung trong quá trình phấn đấu để trở thành thành phố duy nhất của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chí về các chỉ số đô thị sạch: không khí, nước và đất. Giải thưởng nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các thành phố tiêu biểu về chất lượng môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường bền vững. Vâng, thành phố Đà Lạt đã và đang tiếp tục chuyển mình vươn lên tầm cao mới ngay từ thềm năm mới!
(Báo Lâm Đồng Online)