1/4/2018 9:54:00 AM
.

Công Thành - thành công từ rau củ baby


 Hợp tác xã Su Su Công Thành với các loại rau củ quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được thu hái ở độ phát triển non ngọt, đậm đà, sâu chưa kịp làm tổ, vi khuẩn chưa kịp sinh sôi… đang thu hút sự quan tâm của thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.

Kiểm tra hàng nhập. Ảnh: Lê Hoa
 

Liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững
 
Những ngày mưa, con đường từ Phi Liêng qua Nam Hà đi Nam Ban trơn trượt, nhưng những chuyến xe chở hàng của Công Thành vẫn đều đặn hằng ngày vào ra vận chuyển rau củ của các hộ nông dân. Gia đình anh Nguyễn Duy Hướng (thôn Nam Hà, xã Nam Hà) mỗi ngày thu khoảng 250 tạ dưa và 1 tấn su su quả, trên diện tích 1,5 sào dưa nhà lồng và 6 sào su su chia làm 3 lốc trồng gối đầu. Mỗi lốc su su có vòng đời khoảng 7 tháng, xoay vòng để luôn có một lốc vừa tàn, một lốc đang thu và một lốc chuẩn bị thu. Còn 1,5 sào dưa leo baby vừa thu được 10 ngày, lúc rộ có thể đạt 5-6 tạ/ngày và thu trong vòng 30-40 ngày.
 
Nhà anh Hướng mới liên kết với HTX Su Su Công Thành từ đầu năm 2017, cũng là lần đầu tiên và là người đầu tiên của thôn Nam Hà chuyển đổi diện tích từ cà phê sang rau. Đến lúc này, anh đã chuyển đổi hết diện tích mình có để làm 6 sào su su và 3 sào nhà lồng. Trung bình mỗi tháng anh có doanh thu khoảng 50 triệu đồng. “Hơn cà phê rất nhiều!  Hai vợ chồng em làm suốt từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối đấy. Đang ham, nên chưa thuê nhiều công!” - anh Hướng khoe.
 
Sát nhà anh Hướng là anh trai và ông chú vợ cũng đang chuyển đổi sang trồng rau. Anh Khuynh (anh trai anh Hướng) trồng được 1 sào dưa và 2 sào su su. Ông Nguyễn Mạnh Thương là chú vợ anh Hướng đầu tư 170 triệu đồng vào 4 sào su su rất quy mô bằng cách phủ mấy trăm xe đất đỏ và giàn sắt thép, đường nước tưới trên toàn bộ diện tích. Vườn su có độ tuổi hơn 3 tháng của ông Thương vừa hái xong một đợt được 3,5 tấn quả.
 
Trồng su mà đầu tư dữ vậy chú? Đất này xấu, nên tôi đổ 50 cm đất mới lên. 
 
Sao nhà mình lại chuyển đổi sang rau ạ? Nhà có tổng cộng 3 ha cà phê. Nhiều cà quá, lại neo người. Bà con chung quanh làm nhà lồng hết, nên chúng tôi cũng làm. Bận hơn, nhưng chòm xóm học hỏi nhau, vần đổi công cho nhau. Tiền thì có lai rai… Vui lắm! 
 
Cả một vùng Nam Hà trước đây chỉ trồng toàn cà phê, nhưng nay, nhiều hộ gia đình đã và đang dần chuyển sang trồng rau và hầu như những người “ra rau” đều hợp tác với Công Thành, trung bình khoảng 2 sào/hộ. Tính ra, đã có hơn chục hộ dân ở thôn Nam Hà đang sản xuất rau cho Công Thành… Không chỉ ở Nam Hà, Công Thành còn liên kết với hàng chục hộ sản xuất khác ở vùng Nam Ban, Tân Thanh, Tân Hà, Long Lanh, Đà Lạt...
 
Hợp tác xã trẻ với hướng đi hợp lý
 
HTX Su Su Công Thành (thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) được thành lập tháng 6/2016, từ một cơ sở thu mua rau nhỏ. Ngược lại dòng lịch sử, Giám đốc HTX Su Su Công Thành - anh Nguyễn Thành Công cho biết: Dù thành lập HTX sản xuất, kinh doanh rau củ quả các loại, nhưng vẫn giữ 2 chữ su su trong tên HTX để nhắc nhớ những ngày đầu khởi nghiệp vất vả. 
 
Ban đầu làm “nghề”, tôi cứ nghĩ mãi là phải “đi” loại hàng nào có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và dễ trồng  nhất. Thế là chọn đọt su. Nhưng, thay vì cứ bỏ cho dây bò lăn lóc, tôi hướng dẫn nông dân “úp sọt” vào gốc cây, ngọn túa lên trên, vừa tăng được diện tích tiếp xúc của dây, vừa sạch - chống sâu bệnh từ đất, không bị đất bắn lên, tư thế thu hoạch cũng thoải mái - không bị mỏi lưng, chùn gối…
 
Rồi tăng thêm diện tích trồng su, rồi dần dần thêm các “món” khác, công việc cứ mỗi ngày phát triển lên. Sau 3 năm, anh Công nâng được quy mô thành HTX Su Su Công Thành… Đến nay, Công Thành có gần 50 mã hàng rau củ quả cao cấp sản xuất theo quy trình HACCP, tập trung vào các sản phẩm baby và các loại rau củ su su, dưa leo, bông bí, bí bao tử, tiêu xanh, củ cải đỏ, cà chua, mướp non, bầu đất, trà dây, xà lách thủy canh… Sản phẩm của Công Thành đủ tiêu chuẩn vào siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích ở khu vực phía Nam, với khoảng 3-4 tấn/ngày…
 
Vợ chồng ông Chiểu cũng ở xã Nam Hà đang trồng 1 sào nhà lồng cà chua và 1 sào tiêu cho Công Thành, cho biết, cứ “lai rai” phá dần cà phê để chuyển sang trồng rau. Hợp tác với Công Thành rồi, nên không phải “chạy” lo đầu ra. Nhưng, trước khi trồng rau, đất phải được xử lý và đo độ pH phù hợp. Hệ thống nước tưới cũng được xử lý cẩn thận, từ nguồn nước chuyển lên hồ - hút phèn, rồi mới dùng để tưới rau… 
 
Năm 2016, HTX Công Thành thuê đất xây dựng nhà sơ chế, đóng gói quy mô, có vách là khung kính bị xem là “hơi phí”; nhưng, chẳng bao lâu đã cho thấy sự tiện lợi và hợp lý để quy trình nhập hàng, sơ chế, đóng gói, vận chuyển hoạt động một cách chuyên nghiệp.
 
Do không có quỹ đất riêng, nên ngay từ ban đầu, HTX đã xây dựng mô hình các trang trại vệ tinh, hợp tác với các hộ dân. Giữ vững phương châm là mang lại lợi ích cho các hộ liên kết để gắn bó lâu dài; củng cố các thủ tục pháp lý, nhân sự, vốn, đất đai, công nghệ… để mở rộng thị trường và giữ vững niềm tin nơi khách hàng; cam kết về chất lượng và độ an toàn, định vị địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì mỗi sản phẩm…
 
HTX Su Su Công Thành hôm nay đã là thương hiệu có chỗ đứng trong ngành hàng rau củ quả của Lâm Đồng. Tuy nhiên, xác định, rau củ quả có biên độ hao hụt lớn, dễ dập hỏng, khô héo…; ngành rau cũng rủi ro không ít do cạnh tranh, thời tiết, rau chính vụ - trái vụ… nên Công Thành khuyến khích các hộ dân liên kết xây dựng kế hoạch sản phẩm cho mỗi giai đoạn của thị trường, với các mặt hàng và sản lượng rau hợp lý; đồng thời, tổ chức cho lao động làm việc hưởng lương khoán, đóng hàng theo đơn, có quy cách nguồn nhập, kích cỡ, định lượng… để kiểm soát chất lượng và hình thức sản phẩm từ sơ chế, đóng gói đến tay người tiêu dùng.
 
Ðịnh hướng cho tương lai
 
Hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, theo anh Công, khó khăn đầu tiên của Công Thành cũng như của các cơ sở sản xuất - kinh doanh khác là vốn để ổn định sản xuất và tăng quy mô. Hiện Công Thành chưa có mặt bằng nhà xưởng đang phải đi thuê của tư nhân, chưa có quỹ đất canh tác tập trung mà là đất của thành viên và các hộ liên kết. “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ thuê khoảng 20 ha đất của nhà nước để sản xuất, cùng với các sự hỗ trợ khác về nhà xưởng, trang thiết bị”.
 
Từ câu chuyện liên kết sản xuất, giúp người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, cho thu nhập cao hơn, Công Thành đã có những thành công bước đầu, với những ý tưởng tích cực và cách thức điều hành hợp lý, hiện đại, nắm bắt thời cơ và theo kịp thị trường. Công Thành dự định sẽ thành lập mô hình tổ hợp tác, đầu tư băng chuyền và đang xây dựng lộ trình để trong năm 2018 đưa các hạng mục dịch vụ du lịch vào hoạt động và chính thức đón tiếp du khách. Công Thành đang phát triển và sẽ thành công hơn với sự nhạy bén và tâm huyết của những người đứng đầu, sự hiểu biết và tin tưởng của các hộ liên kết; cùng với sự hỗ trợ sâu sát của các cơ quan chuyên ngành.

(Báo Lâm Đồng Online)
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,460,659.00