TP Bảo Lộc hiện đang triển khai hai dự án về cấp nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Đan Mạch và Vương quốc Bỉ. Hai dự án này khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thành phố trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân, cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư.
![]() |
Hiện chỉ có 53% cư dân TP Bảo Lộc được đấu nối cung cấp nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Đ.Anh |
Cung không đủ cầu
Nhận định về hiện trạng cấp nước tại Bảo Lộc, ông Lê Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc, cho biết: Hệ thống cấp nước của TP Bảo Lộc hiện đang đứng trước vấn đề chính là cung không đáp ứng đủ cầu. Hiện, tỷ lệ cấp nước khu nội thị thành phố chỉ đạt khoảng 53% trên tổng số hộ dân cần phải cung cấp nước. Tính đến cuối năm 2017, chỉ có hơn 14.000 khách hàng (tương đương 58.300 người) ở khu vực nội thị được đấu nối cung cấp nước. Trong khi đó, nhu cầu thực tế cần được cung cấp nước sạch là 110.000 người. Nguyên nhân là do hệ thống cấp nước Bảo Lộc đã được hình thành quá lâu, cách đây hơn 40 năm. Mạng lưới đường ống cấp nước đã quá tải và xuống cấp trầm trọng. Do đó, quá trình sử dụng dễ xảy ra tình trạng bể vỡ và thất thoát nước thường xuyên với tỷ lệ trên 27%. Hệ thống mạng lưới cung cấp nước là mạng vòng dùng cho nước ngầm và hiện tại cũng như trong tương lai không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Nguồn nước khai thác dùng cho thành phố hiện nay là nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt từ hồ Nam Phương với sản lượng cung cấp 9.000 m3/ ngày đêm. Trong đó, nguồn nước mặt từ hồ Nam Phương chỉ mới được tiếp nhận vào mạng lưới cấp nước của thành phố từ đầu năm 2017 với sản lượng 2.200 m3/ngày đêm, còn lại chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm từ 18 trạm bơm. Chính việc sử dung nguồn cung chủ yếu từ nhà máy khai thác nước ngầm nên không có khả năng nâng công suất khai thác. Mặt khác, theo đánh giá thì trữ lượng nước ngầm đang có chiều hướng sụt giảm trong những năm gần đây và không bền vững, khó kiểm soát. Việc bổ sung nguồn nước mặt từ hồ Nam Phương chỉ đáp ứng cho khu vực hạn chế, không thể nâng công suất tiếp nhận.
Năm 2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng là chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP Bảo Lộc và vùng đô thị phụ cận từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Tuy nhiên, do việc triển khai dự án chậm vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên đã quá thời hạn, ADB ngưng triển khai.
Dự án “triệu đô”
Từ những nhu cầu bức thiết về việc cung cấp nước sinh hoạt, tỉnh Lâm Đồng cũng như TP Bảo Lộc đã có nhiều nỗ lực để triển khai dự án cấp nước cho đô thị Bảo Lộc. Dự án này gồm các hợp phần như kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước, phát triển mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho TP Bảo Lộc, xây dựng nhà máy cấp nước với công suất 17.000 m3/ ngày đêm. Đây là dự án “triệu đô” với tổng vốn dự kiến là 19,7 triệu USD, tương đương khoảng 450 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA với lãi suất 0% của Chính phủ Đan Mạch là 367 tỷ đồng (tương đương gần 82% tổng mức đầu tư), còn lại là nguồn vốn đối ứng trong nước.
Dự án này sẽ nâng cấp, cải tạo mạng lưới cấp nước hiện tại phù hợp với nhu cầu sử dụng nước giai đoạn 2020 và định hướng mở rộng cho giai đoạn sau nhằm đảm bảo cung cấp nước cho toàn bộ dân cư thành phố. Để làm được điều này thì dự án sẽ triển khai xây dựng các công trình mới để nâng công suất cấp nước của hệ thống; trong đó, có xây dựng nhà máy xử lý nước sạch công suất 17.000 m3/ngày đêm. Sau nhiều lần khảo sát, tính toán thì phương án tối ưu được lựa chọn là sử dụng nguồn nước mặt từ hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) bơm về nhà máy được xây dựng tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) để xử lý. Sau đó, nước sạch sẽ được đưa vào mạng truyền dẫn và mạng lưới đường ống đấu nối đến các hộ sử dụng nước.
Song song với dự án cấp nước thì hiện tại TP Bảo Lộc cũng đang triển khai dự án Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực trung tâm TP Bảo Lộc với công suất 10.000 m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 395 tỷ đồng; trong đó, vốn ODA từ Vương quốc Bỉ là hơn 288 tỷ đồng (lãi suất 0%), còn lại là vốn đối ứng trong nước. Cả hai dự án này đều là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cấp nước và xử lý nước thải là lĩnh vực môi trường tất yếu không thể thiếu trong đời sống dân cư đô thị. Hiện tại, dự án cấp nước từ nguồn vốn ODA đã được UBND tỉnh Lâm Đồng trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ ra quyết định đầu tư. Khi đã có quyết định đầu tư của Chính phủ thì các ngành chức năng sẽ triển khai hợp đồng tài chính về ODA. Dự kiến, trong quý 3/2018, dự án cấp nước sẽ được khởi công. Liên quan đến việc xử lý nước thải từ dự án ODA của Vương quốc Bỉ thì hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Đại sứ quán Bỉ để hoàn thành các thủ tục, lựa chọn phương thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Một khi hai dự án này hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì hạ tầng đô thị của TP Bảo Lộc sẽ được nâng lên, chất lượng hưởng thụ của người dân đô thị về nguồn nước và môi trường được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các dự án đầu tư. Quan trọng hơn, khi dự án đi vào hoạt động thì có thể đưa lên sàn để đấu giá rộng rãi, góp phần để dự án ngày càng được phát triển, đảm bảo việc thu hồi nguồn vốn.
(Báo Lâm Đồng Online)