Đánh giá của Huyện ủy Đơn Dương sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện có những điểm nổi bật: Các chương trình mục tiêu, chương trình trọng tâm và các công trình trọng điểm đang triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả. Qua đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần quan trọng vào sự “phát triển nhanh và bền vững” của huyện.
![]() |
Chế biến rau sấy khô tại Công ty Thực phẩm Asuzac Đà Lạt - Cụm công nghiệp Ka Đô (Đơn Dương). Ảnh: Hải Phong |
Mục tiêu Đảng bộ huyện Đơn Dương đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, đó là “huy động mọi nguồn lực xây dựng Đơn Dương phát triển nhanh và bền vững”. Các nguồn lực đầu tư trên địa bàn huyện được huy động để xây dựng bao gồm, nguồn vốn đầu tư của nhà nước đối với các chương trình mục tiêu, vốn xây dựng hạ tầng cơ sở, vốn vay và huy động từ xã hội hóa. Theo đó, Đơn Dương tiến hành thực hiện “5 công trình trọng điểm” mang tính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội lâu dài ở địa phương. Cụ thể, công trình thủy lợi Kazam với tổng vốn đầu tư 496 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Ka Đô với tổng mức đầu tư hơn 52,6 tỷ đồng, đường nội bộ thị trấn D’ran có tổng vốn đầu tư 64 tỷ đồng, cầu Ka Đô được phê duyệt đầu tư 80 tỷ đồng và công trình đường 729 với tổng vốn đầu tư 662 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm trên được xác định thời gian đầu tư và hoàn thành trước và vào năm 2020 cũng như những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Đơn Dương cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất, chế biến các sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các ngành nghề sản xuất phụ trợ và chế biến có sử dụng sản phẩm, nguyên liệu tại địa phương, đi đôi với việc duy trì hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo Huyện ủy Đơn Dương, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong năm 2018, ước thực hiện đạt 517 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 12,3%. Đồng thời, chú trọng phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nên trong năm 2018, giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước thực hiện đạt gần 1.665 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 13,9%. Dự kiến đến năm 2020, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ đóng góp một lượng giá trị vào nền kinh tế huyện khoảng 581 tỷ đồng và giá trị sản xuất từ dịch vụ khoảng 2.074 tỷ đồng.
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đơn Dương, một trong những chương trình trọng tâm đó là tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp được huyện định hướng thông qua việc quy hoạch phát triển sản xuất ở các vùng “có tính toàn diện, bền vững, hiện đại”. Qua đó, xác định quy hoạch phát triển 3 vùng bao gồm: Vùng 1, thị trấn D’ran và Thạnh Mỹ để tiến hành chỉnh trang đô thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thị trấn D’ran, xây dựng thị trấn Thạnh Mỹ trở thành đô thị loại IV và tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ tại đây; còn vùng 2, khu vực các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô, Quảng Lập là vùng phát triển rau hoa công nghệ cao. Cuối cùng là vùng 3, gồm xã Tu Tra, Ka Đơn, Đạ Ròn, Próh được xác định tập trung vào phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến sữa...
Với “kịch bản” và các bước thực hiện nêu trên, theo đánh giá của Huyện ủy Đơn Dương, sau 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đến nay nền kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng khá với tộc độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt 8,7% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra là 8,5%. Trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 7,5%, công nghiệp - xây dựng 10,8% và dịch vụ tăng 12,5% trong năm 2018. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện tại, ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 52,1%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 14,6% và ngành dịch vụ chiếm 33,3%, cơ bản đạt chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra.
Cùng với tăng trưởng kinh tế trải đều trên các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng giữa các ngành phù hợp với lộ trình phát triển mà nghị quyết đề ra nên có thể nói rằng, kinh tế Đơn Dương đã có bước phát triển nhanh, hướng tới sự bền vững của nền kinh tế. Cũng theo Huyện ủy Đơn Dương, tổng đầu tư phát triển xã hội của huyện đạt trên 2.124 tỷ đồng trong năm 2018, so với phần trăm GRDP chiếm tỷ lệ 31,8% và đạt chỉ tiêu đề ra.
Đáng nói hơn thu nhập bình quân đầu người đạt 63,4%, vượt so với chỉ tiêu kế hoạch năm.
Cần biết rằng, dự báo về dân số Đơn Dương cuối năm 2018, toàn huyện có khoảng 105.725 người, trong đó độ tuổi lao động chiếm 57.354 người, chiếm khoảng 54,25%, đây được xem là nguồn lực cho sự phát triển trong thời gian tới. Điểm nổi bật khác là kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu. Nếu như năm 2016, tổng thu ngân sách của huyện thực hiện gần 102,6 tỷ đồng, đến năm 2018 thực hiện thu hơn 139,4 tỷ đồng, tăng 18% so với chỉ tiêu nghị quyết.
Với kết quả đạt được từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Đơn Dương trong 3 năm qua, dự kiến đến năm 2020, cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 14,4%, ngành dịch vụ chiếm 33% trong nền kinh tế huyện, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
(Báo Lâm Đồng Online)