Ðể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê; vấn đề đặt ra là phải trẻ hóa cây cà phê bằng các biện pháp trồng tái canh hoặc ghép cải tạo. Hiện nay, nguồn giống đảm bảo sẽ quyết định đến hiệu quả việc tái canh loại cây công nghiệp này.
![]() |
Nguồn giống cà phê chất lượng là vấn đề người nông dân đặc biệt quan tâm. Ảnh: H.Yên |
Vườn cà phê của gia đình ông Từ Lương Sinh (Thôn 8, Gia Hiệp) với diện tích được tái canh 7 sào ngày càng già cỗi, thoái hóa, năng suất kém nên từ năm 2016, gia đình ông đã chủ động tự bỏ vốn kiến thiết lại một phần diện tích bằng cách nhổ bỏ cây cũ, cải tạo lại đất và trồng mới 150 cây/sào. Bằng kinh nghiệm cá nhân cộng với việc tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những vườn cà phê tái canh ở Bảo Lộc, Bảo Lâm, vườn cây tái canh của gia đình ông năm nay đã cho thu hoạch. “Khó nhất là khâu chọn giống sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, bởi hiện nay rất nhiều giống cà phê có năng suất nhưng không phải giống nào cũng đảm bảo phù hợp với chất đất tại đây. Sau khi tìm hiểu, tôi quyết định chọn giống Xanh Lùn, giờ vườn phát triển tốt, tỉ lệ đậu trái rất cao. Kết quả thu hoạch năm nay rất khả quan” - ông Sinh bộc bạch. Từ hiệu quả ban đầu, gia đình ông dự tính sẽ tiếp tục tái canh diện tích cà phê già cỗi còn lại trong những năm tới.
Lâm Ðồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về tái canh cà phê, do vậy phải chú trọng tới chất lượng tái canh, tái canh cần phải có chiều sâu. Có nghĩa là không chạy theo số lượng mà phải nâng cao chất lượng tái canh...
Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
|
Việc tái canh diện tích cà phê đang bị nhiễm bệnh hoặc già cỗi là rất cần thiết vì ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê. Do vậy, để tái canh vườn cà phê hiệu quả, người nông dân cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ việc tạo cây giống tốt, sạch bệnh đến thực hiện tái canh đúng quy trình, quy chuẩn. Theo kế hoạch của tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2016-2020, địa phương cần thực hiện tái canh khoảng gần 35 ngàn hecta cà phê, trong đó, ghép cải tạo gần 18 ngàn hecta, trồng tái canh khoảng 17 ngàn hecta. Tại địa bàn hiện có 43 tổ chức, cá nhân có vườn ươm đầu dòng, có khả năng cung cấp khoảng 12 triệu mầm chồi/năm; 167 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống cà phê, năng lực sản xuất trên 12 triệu cây giống/năm. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại giống cà phê đã được nghiên cứu và chọn lọc kỹ phù hợp với từng vùng như TR4, Xanh Lùn, Trường Sơn, Thiện Trường, TR11, giống cà phê Lá Xoài,...
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê mạnh nhất cả nước. Tính lũy kế từ năm 2013 đến năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh, ghép cải tạo được 54.325 ha (trồng tái canh 22.687 ha; trồng mới 1.087 ha; ghép cải tạo 30.551 ha). Nhờ thực hiện tái canh, năng suất cà phê đã tăng lên đáng kể, từ 27 tạ/ha trước khi thực hiện kế hoạch, đến nay năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt trên 32 tạ/ha. Cá biệt, có nhiều vườn cà phê cho năng suất 70 - 80 tạ/ha. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhu cầu tái canh cà phê của người dân rất cao, tuy nhiên, chính quyền không khuyến khích bà con tái canh ồ ạt, mà phải tái canh từng phần, cuốn chiếu để không làm ảnh hưởng đến sản lượng cà phê. Vấn đề chọn giống cũng đang được đông đảo người dân quan tâm, bởi nếu chọn phải giống không đúng chất lượng, vài năm sau người dân coi như mất trắng. Chính vì vậy, chính quyền phải đặc biệt coi trọng chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cây giống, khuyến cáo người dân lựa chọn những cơ sở cung cấp giống có uy tín để thực hiện tái canh. Hướng tới mục tiêu phát triển cà phê bền vững, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp.
(Báo Lâm Đồng Online)