Sau gần 3 năm, từ Hội thảo khoa học mô hình “Làng đô thị xanh” (green village) do UBND tỉnh Lâm Ðồng và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức, đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ký Quyết định ban hành Ðề án thí điểm xây dựng mô hình này tại xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt.
![]() |
Làng đô thị xanh sẽ hình thành trong tương lai tại vùng đất này. Ảnh: M.Đ |
Về mục tiêu tổng thể, xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” (LĐTX) làm cơ sở nhân rộng mô hình trên địa bàn TP Đà Lạt và các đô thị vệ tinh theo định hướng quy hoạch chung TP và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 704) và xu hướng phát triển đô thị - nông thôn bền vững, tăng trưởng xanh; cũng như cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt Thủ tướng phê duyệt sau đó. Trên cơ sở này, LĐTX Xuân Thọ đáp ứng những mục tiêu cụ thể về các mô hình: tổ chức quản lý hành chính; tổ chức cư trú, lưu trú của người dân và du khách; tổ chức sản xuất nông nghiệp và khai thác du lịch; tổ chức cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Đề án đã xác định rõ 4 định hướng, trong đó một vài nội dung như sau. Về quy hoạch xây dựng, là phân khu đô thị thuộc quy hoạch chung của TP; hình thành một khu vực sản xuất nông nghiệp - công nghệ cao, kết hợp khu ở và công trình công cộng; phát huy loại hình du lịch canh nông, đảm bảo yêu cầu bảo vệ tối đa đa dạng sinh học, địa hình, cảnh quan tự nhiên - văn hóa và giảm phát thải khí nhà kính, có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Quy mô khoảng 180 ha; dân số khoảng 1.500 đến 2.000 dân.
Cơ cấu sử dụng đất, khoảng 70% đất sản xuất nông nghiệp, khoảng 30% đất ở và công trình công cộng, riêng đất cây xanh công cộng tối thiểu 50%.
Về kiến trúc và cơ sở hạ tầng, khuyến khích nhà ở biệt lập với diện tích lô đất từ 300 - 400 m2 và nhà vườn; cao tối đa 3 tầng; mật độ xây dựng trong từng lô đất từ 30 - 40%. Áp dụng các giải pháp công trình xanh và ứng dụng vật liệu xây dựng mới... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đầu tư, kết nối và vận hành đồng bộ theo phân kỳ đầu tư, trong đó hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng các thiết bị và dây chuyền công nghệ thân thiện môi trường…Về môi trường, thu gom, tái chế các chất thải sinh hoạt; tiết kiệm điện năng. Khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió). Môi trường xanh, gần gũi, thân thiện... Về kinh tế xanh, sản xuất nông nghiệp - công nghệ cao theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Phát triển mô hình du lịch canh nông. Gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành những giá trị phi vật thể...
Để thực hiện Đề án, UBND tỉnh đưa ra một số giải pháp như về chính sách (đất đai, thuế, thu hút đầu tư); tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhà nước tổ chức lập Đề án, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, các công trình dịch vụ công cộng; xây dựng danh mục thu hút đầu tư như: hạ tầng khu dân cư, nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội phục vụ ở, sản xuất và khai thác du lịch. Về tổ chức vận hành, đơn vị thực hiện Đề án tổ chức quản lý đầu tư xây dựng, vận hành, nghiệm thu, bàn giao lại cho Làng và UBND xã Xuân Thọ quản lý vận hành. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án 943,40 tỷ đồng; trong đó, chi phí lập Đề án và lập quy hoạch 1,60 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác 91,02 tỷ đồng; chi phí đầu tư xây dựng 606,78 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 244,00 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện gồm từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác (ODA; viện trợ quốc tế; đầu tư của nhà đầu tư; đóng góp của người dân,...).
Căn cứ nội dung Đề án và chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng, ông Phan Văn Trung - Trưởng Phòng Kiến trúc - Quy hoạch cho chúng tôi biết: Ngay trong tháng 12 này, Sở Xây dựng sẽ triển khai tổ chức lập quy hoạch phân khu; trước hết là lập nhiệm vụ lập đồ án. Sau khi quy hoạch phân khu được phê duyệt sẽ triển khai quy hoạch chi tiết 1/500 và thiết kế đô thị (dự kiến vào đầu năm 2019) và tiếp tục theo đó kêu gọi đầu tư”. Nội dung này cũng phù hợp với lộ trình mà Đề án đặt ra, gồm 2 giai đoạn; trong đó, Sở Xây dựng làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà điều hành Trung tâm và UBND TP Đà Lạt chủ trì thực hiện các nội dung về công tác đầu tư (cơ chế, chính sách thu hút). Dĩ nhiên, thực tiễn cũng đặt ra việc xây dựng mô hình thí điểm LĐTX Xuân Thọ cần song hành của nhiều đơn vị liên quan khác như Sở Nội vụ, NN&PTNT, Thông tin và Truyền thông, TN&MT, KH&ĐT và Cục Thuế, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh... Cùng đó là sự tích cực, năng động của cấp ủy, chính quyền xã Xuân Thọ và đặc biệt là sự đồng lòng của nhân dân trong địa bàn quy hoạch LĐTX.
Tại hội thảo nêu trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh: “Thay mặt Bộ Xây dựng, tôi xin bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc phát triển Đà Lạt trở thành đô thị đi đầu của cả nước về phát triển đô thị tăng trưởng xanh”. Còn Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt chỉ đạo và gửi gắm: Việc xây dựng thí điểm mô hình LĐTX ở Xuân Thọ có những khó khăn, thách thức; tuy nhiên, rất cần thiết. Vì vậy, cần tập trung và nỗ lực từ nhiều ngành, nhiều đơn vị cũng như thành phố Đà Lạt để mô hình thí điểm sớm trở thành hiện thực tại TP Đà Lạt.
(Báo Lâm Đồng Online)