Sau một thời gian đi học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, ông Nguyễn Phước (TP Bảo Lộc) đã nghiên cứu thành công các chế phẩm sinh học từ công nghệ nuôi cấy enzim. Các chế phẩm này đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi với ưu điểm nổi trội là an toàn cho người sử dụng, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn.
Năm 2013, ông Phước được một người bạn hỗ trợ đưa sang Nhật để vừa đi học vừa nghiên cứu. Nơi ông nghiên cứu là một trung tâm chuyên về nông nghiệp công nghệ cao ở Tokyo (Nhật Bản). Đề tài được ông lựa chọn để nghiên cứu là công nghệ cấy enzim để sản xuất các chế phẩm sinh học. Sau 3 năm, đề tài của ông được hoàn thiện và ông trở về nước để bắt tay đưa đề tài này ứng dụng vào thực tế. Ròng rã hơn 1 năm, ông sản xuất thử nghiệm và tặng để bà con các vùng trồng chè, cà phê, sầu riêng của khu vực Tây Nguyên và vùng nuôi trồng thủy sản thuộc miền Tây Nam bộ dùng thử. Phản hồi từ phía bà con rất tốt và từ tháng 4/2018, sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận đề tài, ông bắt đầu sản xuất đại trà các chế phẩm sinh học này. Hiên tại, có 5 sản phẩm đã được công nhận hợp chuẩn và ông đang tiếp tục làm hồ sơ để công nhận chế phẩm sinh học diệt cỏ.
Ông Nguyễn Phước chia sẻ: “Lý do để tôi chọn và bắt tay vào nghiên cứu đề tài này là vì ở nước ta hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tràn lan, dư lượng thuốc trong các sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ còn rất nhiều và phổ biến. Do đó, tôi muốn tạo ra các dòng sản phẩm có thể diệt trừ sâu bệnh nhưng tuyệt đối an toàn cho người sử dụng và tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Công nghệ nuôi cấy enzim là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay vì tạo ra được sinh khối các vi sinh vật hữu hiệu rất lớn, loại trừ hầu hết các vi sinh vật có hại. Tùy theo từng chủng loại chế phẩm, các vi sinh vật được nuôi cấy trên nền tảng enzim có thể được nuôi trong môi trường nước trái cây, trứng gà, hoặc sữa. Do đó, các chế phẩm này đều có thể uống được và tuyệt đối an toàn cho người sử dụng”.
Hiện tại, ông Phước đã sản xuất ra các chế phẩm dùng để tưới gốc cây và phun trên lá để ngăn ngừa dịch bệnh và côn trùng gây hại trên cây cam, quýt, chè, cà phê, sầu riêng và các loại rau màu…; chế phẩm chuyên dùng ủ bã thực vật và xử lý phân chuồng trong trang trại, ao hồ giúp tăng nguồn dinh dưỡng sinh học, hạn chế dịch bệnh và cải tạo môi trường nước…; chế phẩm dạng bột cải tạo đất giúp cân bằng dinh dưỡng cho đất, phân giải các thành phần khó tan trong đất. Để sản xuất các chế phẩm này, ông phải đầu tư phòng thí nghiệm với các máy móc hiện đại để soi tách các bào tử cấy vi sinh vật bằng enzim. Từ đó, ông nghiên cứu và nắm được đặc tính, tác dụng của từng loại vi sinh vật. Ông Phước cho biết, trong hơn 1 năm qua, ông đã chi hàng trăm triệu đồng với khoảng 800 sản phẩm để tặng cho bà con dùng thử. Đến nay, kết quả phản hồi rất tốt và rất nhiều người sau khi dùng thử đã đặt mua sản phẩm của ông.
Ông Nguyễn Ngọc Quang (Tổ 19, Phường II, Bảo Lộc) cho biết: “Sau khi dùng các chế phẩm sinh học để xử lý phân nuôi vịt và trộn vào thức ăn cho vịt thì trang trại nuôi gần 1.000 con vịt của gia đình hầu như không có mùi hôi và vịt tăng trưởng rất tốt. Ngoài ra, tôi cũng sử dụng các chế phẩm sinh học này để phục hồi cây sầu riêng sau thu hoạch, hiện lá non của cây đã tăng gấp 4 lần và nấm bệnh giảm hẳn. Thấy các chế phẩm sinh học này hữu hiệu nên tôi cũng hướng dẫn người quen đang nuôi tôm ở miền Tây sử dụng để xử lý ao nuôi, ngăn ngừa bệnh cho tôm thay vì sử dụng thuốc hóa học như trước đây”.
Tương tự ông Quang, ông K’Điền (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) cũng đã dùng thử các chế phẩm sinh học để đổ vào gốc và phun xịt trên lá của những cây sầu riêng bị nấm bệnh trong vườn cũng cho kết quả rất tốt. Đến nay, tất cả những gốc sầu riêng bị nhiễm nấm bệnh trong vườn nhà ông đã được phục hồi và cho thu hoạch tốt. Đối với vùng sản xuất rau, hoa của Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, nhiều nhà vườn cũng đã chọn các chế phẩm sinh học của ông Phước để phòng ngừa và diệt trừ sâu bệnh trên rau hoa. Chị Lỷ Xí Múi (Ka Đô, Đức Trọng) cho biết trước đây, hơn 8 ha đất trồng hoa màu của chị sử dụng phân hóa học nhiều nên đất chai, mất chất dinh dưỡng. Hai năm trở lại đây chị sử dụng hoàn toàn các chế phẩm sinh học để phục hồi đất, xử lý nấm bệnh cho cây trồng. “Bản thân tôi thấy các sản phẩm này rất hữu hiệu khi dùng để ngăn ngừa và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, do đất vườn nhiều mà nếu mình sử dụng phân bón và thuốc hóa học nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, sử dụng chế phẩm sinh học thì vừa đảm bảo sức khỏe cho mình, vừa tạo ra các sản phẩm an toàn cho người sử dụng nên mình cũng yên tâm” - chị Múi chia sẻ.
Hiện tại, ông Phước đang hướng các sản phẩm sinh học của mình về vùng trồng cây ăn trái, cây điều ở một số huyện như: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên để bà con sử dụng dùng để trị bệnh trên cây điều, cây ăn trái. “Mục tiêu của tôi là hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Muốn đạt được điều này thì bà con phải hiểu được lợi ích của việc sử dụng các chế phẩm sinh học là cải tạo được môi trường sống, không gây độc hại cho người trực tiếp sử dụng và đem lại sản phẩm hàng hóa chất lượng cao” - ông Phước chia sẻ.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)