Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội hàng ngày, nên tác động rất lớn đến thị trường tiêu dùng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn.
![]() |
Hoạt động cấp phép kinh doanh xăng dầu đang được chấn chỉnh và siết chặt quản lý. Ảnh: D.Thương |
Trước tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn còn xảy ra, Sở Công thương Lâm Đồng đã tăng cường công tác quản lý, ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ việc cấp phép để thành lập doanh nghiệp cho đến việc quản lý hoạt động kinh doanh, chất lượng, giá cả xăng dầu được siết chặt. Theo thống kê của Sở Công thương Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 170 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó có 2 doanh nghiệp đầu mối, 1 doanh nghiệp phân phối, 1 tổng đại lý và 265 cửa hàng xăng dầu. Hệ thống bán lẻ tới người tiêu dùng gồm có 1.148 cột đo xăng dầu đã được cơ quan chức năng dán tem, kẹp chì niêm phong.
Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết: Thời gian qua, Sở Công thương có nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng về việc có tiêu cực trong cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, ngay lập tức hoạt động này đã được rà soát và tăng cường công tác quản lý từ đầu năm 2019.
Theo Điều 24 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, cửa hàng xăng dầu có đủ các điều kiện được Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu bao gồm: Thuộc sở hữu, đồng sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định này (thương nhân đề nghị cấp phải đứng tên tại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu). Đồng thời, được thiết kế, xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu, an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thành phần hồ sơ, nộp hồ sơ về Sở Công thương Lâm Đồng thẩm định, cấp giấy chứng nhận. Các hình thức nộp hồ sơ gồm: Nộp hồ sơ qua đường bưu điện, gửi về văn phòng Sở Công thương, nộp trực tuyến tại địa chỉ motcua.lamdong.gov.vn hay có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Công thương sẽ thẩm định, cấp giấy chứng nhận (nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định) hoặc có văn bản trả lời từ chối cấp giấy chứng nhận và nêu rõ lý do từ chối cấp giấy chứng nhận theo thời gian như: Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; Sở Công thương có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ theo quy định, Sở Công thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho thương nhân; trường hợp từ chối, Sở Công thương trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối.
Đối với việc ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu, theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, việc ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu thì doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một thương nhân đầu mối. Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối, không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác.
Đặc biệt, việc lựa chọn thương nhân để ký hợp đồng làm đại lý hoặc ký hợp đồng làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là quyền lựa chọn của thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Sở Công thương hoặc công chức Sở Công thương không được làm môi giới, giới thiệu, bắt buộc thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu ký hợp đồng theo môi giới, giới thiệu, chỉ định của mình. Đối với việc cung cấp trụ bơm xăng dầu, do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự lựa chọn đơn vị cung cấp công chức của Sở không được quyền giới thiệu, chỉ định đơn vị cung cấp.
Việc quản lý hoạt động cấp phép kinh doanh xăng dầu và chống tiêu cực trong hoạt động này là một trong những công tác được chú trọng trong quý I/2019 của ngành Công thương. Siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn nguồn xăng dầu không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp đại lý, thương nhân nhận quyền tiếp nhận hàng xăng dầu trôi nổi từ địa bàn khác về làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý về giá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng chỉ về mặt nghiệp vụ, điều kiện cần và đủ để kinh doanh mặt hàng xăng dầu của các doanh nghiệp.
(Báo Lâm Đồng Online)