Năm 2017 là năm đặc biệt đối với ngành cà phê Lâm Đồng khi mà hàng loạt các thương hiệu cà phê Cầu Đất, Langbiang, Di Linh được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Nếu tìm một từ khóa để nói về cà phê Việt Nam năm 2017, chắc chắn từ Cầu Đất là lựa chọn số 1 của người sành cà phê Việt. Và đồng hành cùng với cà phê Cầu Đất, Song Vũ đã và đang góp phần khẳng định chất lượng thương hiệu cho cà phê vùng này.
Từ sự tình cờ…
Sinh ra và lớn lên tại Cầu Đất, Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, từ nhỏ Nguyễn Song Vũ (1989), người khai lập ra thương hiệu cà phê Song Vũ, đã gắn bó với cây cà phê. Sáng đi học, chiều về nhà phụ cha mẹ tưới tắm, chăm sóc cà phê nên Vũ đặc biệt yêu thích và nhạy cảm với hương cà phê. Tốt nghiệp cấp 3, Vũ không thi đại học mà phụ với gia đình làm cà phê, trồng rau hoa và tham gia công tác đoàn ở xã. Thời gian đầu Vũ cùng gia đình làm cà phê bỏ hàng chợ. “Cà phê chợ bấp bênh lắm. Như năm 2016, nhà em làm mấy chục tấn cà phê bỏ chợ, lỗ mất mấy tỷ bạc nên bỏ làm luôn”.
Năm 2010, trong lần tình cờ nhận được cuộc điện thoại nhầm của một phụ nữ chuyên buôn cà phê ở Hà Nội đặt hàng cà phê Arabica - một loại cà phê đặc trưng của vùng Cầu Đất, cuộc điện thoại nhầm trở thành cơ duyên đưa Vũ quay lại với nghề sản xuất cà phê. Từ cơ duyên này, Vũ mới bắt đầu có khái niệm định hình về các loại cà phê. Chàng trai trẻ bắt đầu tìm hiểu và biết rằng, cà phê Cầu Đất có nhiều loại, trong đó cà phê Arabiaca Cầu Đất đặc biệt được người sành cà phê ưa chuộng. Sau hợp đồng tình cờ với người buôn bán cà phê ở Hà Nội, chàng trai trẻ đã thay đổi tư duy sự nghiệp, quyết tâm gây dựng thương hiệu cà phê sạch Song Vũ bằng chính các loại cà phê đặc trưng ở mảnh đất nơi anh “chôn nhau cắt rốn”.
Để có đủ cà phê Arabica cung cấp cho bạn hàng ở Hà Nội, Vũ đi tuyển chọn và thu mua thêm của các hộ trong vùng. Càng đi sâu vào nghiên cứu, Vũ càng phát hiện ra rằng, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Cầu Đất giúp cây cà phê ở đây, tuy sản lượng không cao, nhưng hương vị và chất lượng thì hơn hẳn các vùng khác. Anh bắt đầu học hỏi bài bản hơn và tìm hiểu cách thức chế biến làm sao có thể giữ được hương vị và chất lượng cà phê Cầu Đất nguyên bản nhất. Chỉ có cà phê sạch và cùng liên kết sản xuất, thu hái theo công nghệ cao mới có thể làm được điều đó.
Thật may mắn khi Vũ nhận được một số đơn đặt hàng cung cấp cà phê sạch. Hợp đồng với Công ty Cầu Đất Farm có lẽ là hợp đồng đáng nhớ nhất. “Họ yêu cầu rất khó. Cà phê phải phân theo từng loại rõ ràng, và phải hái chín 100%. Vừa thu hái ở vườn, vừa đi thuê 10 người dân trong vùng hái. Mặc dù đã dặn dò kỹ thuật hái và nói yêu cầu là phải hái trái chín, nhưng do thói quen nên người dân họ vẫn hái lẫn trái xanh. Đợt đầu hái được hơn 1,1 tấn. Mang lên công ty, bên bộ phận kỹ thuật từ chối nhận với lý do “chín chưa đạt”. Thế là mang về ngồi hì hụi lượm hết tất cả trái xanh ra, sau đó mang lên công ty lại nhưng họ vẫn không nhận với lý do độ lớn của quả chưa đạt. Lại tiếp tục mang về. Lần này, Vũ phải đi mua một cái sàng để loại bỏ toàn bộ những trái nhỏ, không đạt yêu cầu. Và phải đến lần thứ 3 ấy, từ số lượng hơn 1,1 tấn ban đầu, chỉ còn lại đúng 240 kg 100% chín, trái to đều công ty mới nhận. Từ những kinh nghiệm quý báu đó, Vũ đã rút ra cho riêng mình kỹ thuật thu hái, chăm sóc và thu mua cà phê đảm bảo chất lượng. Mùa thu hái sau đó, anh chờ trái chín đều hơn, tập huấn và trả công hái cao hơn cho người lao động để họ hái theo đúng ý của mình. Kinh nghiệm cứ thế tích luỹ dần. Đam mê cũng len lỏi và ngấm sâu vào anh.
Viết thư kêu gọi thành lập hợp tác xã
Có được kỹ thuật và vốn kiến thức kha khá về cà phê, Vũ bắt đầu đầu tư gầy dựng thương hiệu cà phê cho riêng mình. Cơ sở sản xuất cà phê Song Vũ ra đời được đánh giá cao về chất lượng và nhận được một số đơn đặt hàng của khách, nhưng do vườn nhà không đủ để cung cấp, chàng trai trẻ suy nghĩ và “chỉ có cách là liên kết với những người xung quanh mới có thể nâng cao sản lượng lẫn chất lượng như mong muốn”.
Nghĩ là làm, Vũ đã ngồi nắn nót viết hàng trăm lá thư gửi đến tận nhà các hộ gia đình trong vùng để mời các hộ dân nhóm họp để nêu ý tưởng thuyết phục họ thành lập hợp tác xã để cùng hỗ trợ nhau sản xuất và cung ứng nông sản, tránh việc sản xuất nhỏ lẻ, vừa không hiệu quả lại dễ bị tư thương ép giá. Sau hai lần viết thư mang đi gửi tận từng nhà, Vũ cũng nhận được sự ủng hộ của bà con trong vùng và Hợp tác xã Cầu Đất ra đời. Vũ từ đó dựa vào hoạt động của Hợp tác xã liên kết chặt chẽ với các hộ trồng cà phê từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái. Hiện tại, cơ sở của Vũ có thể thu mua mỗi ngày 10 tấn, đáp ứng được những hợp đồng lớn.
Lấy chất lượng gây thương hiệu
Người Cầu Đất ví von, nếu chưa đến đỉnh núi Min thì chưa thể nói là hiểu về hương vị cà phê Cầu Đất. Núi Min cách trung tâm Cầu Đất khoảng 30 phút xe máy kết hợp lội rừng. Đỉnh núi cao ấy có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây cà phê. Cà phê trồng ở Núi Min cho hương vị đặc biệt không lẫn vào đâu được và là niềm tự hào của cà phê Cầu Đất. Vừa chìm trong sương mù chốc chốc ngọn núi lại trong veo dưới nắng ửng hồng. Sương và nắng lấp lánh cả ngày trên những đồi cà phê. Cà phê Cầu Đất phơi rang từ những hạt cà phê trồng ở Núi Min ấy được nhiều người lấy làm chuẩn về cả hương vị và chất lượng. Cách kiểm tra chất lượng cà phê của Vũ cũng vậy. Anh lấy những hạt cà phê có vị và hương tốt nhất làm chuẩn để cho ra đời những mẻ cà phê ngon nhất, thơm nhất, gầy dựng thương hiệu cho cà phê Song Vũ.
Không chỉ dừng lại ở việc thu hái, sàng lọc, phơi khô hạt, Vũ tìm hiểu, chủ động tham gia các lớp tập huấn, theo học về rang say, pha chế và tìm đến những người pha chế cà phê hàng đầu Việt Nam học hỏi.
Điều đặc biệt là khi học rang xay cà phê, Vũ phát hiện ra mũi của mình rất nhạy cảm với các mùi hóa chất hương liệu. Nhờ vậy, anh có thể ngửi và đoán vị khá chuẩn. Tại lớp tập huấn với các chuyên gia cà phê uy tín đến từ nước ngoài, bài thực hành của Vũ được cho điểm xuất sắc cũng nhờ cái mũi nhạy cảm giúp anh tinh tế hơn trong quá trình rang, xay và định lượng mùi vị.
Dù còn trẻ, hai vợ chồng chỉ mới lập nghiệp, vốn chưa nhiều nhưng việc anh chủ động vay mượn để đầu tư học hỏi và trang bị máy móc mới đủ chất lượng là bước đi đúng đắn của Vũ. Mở ra cho anh khả năng mới để phát triển sản phẩm mang thương hiệu Song Vũ, được thị trường khó tính hơn chấp nhận.
Vũ chủ động liên hệ với các chuyên gia pha chế để nhờ họ thử cà phê của mình làm ra. Kết quả là cà phê của anh được đánh giá rất cao, thậm chí có chuyên gia hỏi Vũ là cà phê này anh nhập từ nước nào mà chất lượng rất tốt. Đánh giá của các chuyên gia pha chế tiếp thêm sức mạnh cho Vũ. Không chỉ nhắm vào việc làm cà phê để xuất khẩu, Vũ có quan điểm rất “dân tộc” rằng, cà phê ngon làm ra mà cứ chuyển ra nước ngoài hết thì cũng... dở. Vũ hướng về thị trường nội địa với chất lượng cà phê tương đương, anh mong muốn người Việt trong nước thay đổi thói quen sử dụng cà phê sạch, chất lượng cao ngang tầm cà phê xuất khẩu.
Nỗ lực của Vũ đã và đang được không chỉ thị trường cà phê ghi nhận mà mới đây, nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII được tổ chức, Vũ chính là 1 trong 120 tên được vinh danh vì góp phần xây dựng thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
![]() |
Vợ chồng trẻ Song Vũ trong khu phơi cà phê |
Vũ cho biết thêm, trong tương lai, anh mong muốn sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu cà phê của mình với sản phẩm cà phê Cầu Đất đặc trưng. Anh đang xây dựng kế hoạch liên kết và mở rộng diện tích sản xuất cà phê sạch chất lượng cao, nhắm đến cả thị trường trong và ngoài nước. Tuổi trẻ và đam mê là hai thứ quan trọng nhất anh đang may mắn sở hữu trong thời điểm hiện tại. Và anh cho biết, đang cố gắng tận dụng hết mọi nguồn lực mình có để đưa ước mơ tiếp tục nâng bước.
Một tin tốt lành có thể báo hiệu mùa xuân đầy hứa hẹn, nhưng để hoa mùa xuân đơm quả ngọt thì vẫn cần sự hỗ trợ tích cực và thiết thực hơn đối với những thanh niên khởi nghiệp không chỉ về vốn mà cả những cơ hội được giao lưu rộng hơn, vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Có như vậy, thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cũng bay xa, bay cao hơn.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)