Việc trồng và làm trà thảo dược đang được nhiều doanh nghiệp hướng vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đến mở rộng thị phần. Nhưng chuyên về Trà Ðương Quy túi lọc thì có lẽ HTX dược liệu Như Ý, thành lập đầu năm 2018 (ở Thôn 2, xã Ðạ Ròn, huyện Ðơn Dương) là đơn vị đang nỗ lực phát huy thế mạnh vùng nguyên liệu và giữ cái tâm của người làm trà thảo dược.
![]() |
Bà Thi trong vườn đương quy chuẩn bị thu hái. Ảnh: N.Quân |
Chúng tôi vừa bước vào, bà Đinh Thị Thi - Giám đốc HTX dược liệu Như Ý đon đả bưng ra khay nước: “Tụi em uống cái này, bảo đảm hết mệt mỏi luôn!”. Cầm ly trà thoang thoảng mùi thuốc nam, đưa lên nhấp một ngụm - đúng là thanh mát. Bà Thi hỏi: Biết trà gì không? Rồi bà tự trả lời: Đương quy thì rõ rồi, nhưng không chỉ có đương quy, mà còn có đan sâm, hoàng kỳ, cỏ ngọt. Uống đi, trà này theo Đông y có tác dụng lưu thông khí huyết, thanh lọc cơ thể, bồi bổ sức khỏe...
Đương quy xưa nay thường được biết đến là nhân sâm dành cho phụ nữ bởi công dụng bồi bổ khí huyết rất rõ của củ (rễ) đương quy, với hàm lượng tinh dầu lớn, cùng các hợp chất và nhiều loại vitamin tốt cho sức khỏe, giúp bổ máu, hoạt huyết, chống viêm, giảm đau, nhuận tràng... Trước, Đông y dùng củ đương quy chia làm 3 phần: quy đầu (lấy một phần về phía đầu), quy thân (bỏ đầu và đuôi) và quy vĩ (lấy phần rễ và nhánh); nhưng, HTX Như Ý dùng toàn quy (nguyên củ) để sản xuất trà thảo dược dùng được cho mọi lứa tuổi.
… Uống trà, nói vài câu chuyện về khó khăn của nghề, bà Thi rủ chúng tôi ra vườn quy: “Đang có đủ loại: loại sắp thu hoạch, loại 8 tháng đang xanh tốt và vườn giống đang tỉa”. Ba vườn đương quy ở 3 địa chỉ khác nhau. Vườn đương quy đầu tiên chúng tôi bước vào đã tới vụ thu hoạch. Những bụi đương quy già lá, lẫn trong cỏ, nhưng có thể nhận thấy nhờ hương thơm. Ông Tấn - Phó Giám đốc HTX bày chúng tôi hái các đọt bông non “Các vị chắc chắn chưa bao giờ được ăn món này đâu! Có thể luộc, nấu lẩu, xào, làm canh - món nào cũng được”. Ông Tấn còn khuyến khích: “Vườn này sắp thu, nên bông ít. Sang vườn bên kia tha hồ hái”.
Cái thoải mái khi hái đọt bông đương quy là bởi, nếu cứ để bông thì cây không tạo củ, nên kiểu gì cũng phải bỏ các cây trổ bông. Vì vậy, việc hái đọt bông là vô hại cho cây. “Nhưng lại rất có lợi cho mình!” - Chúng tôi hồ hở tham gia… Quả đúng vậy! Vườn đương quy hơn 1 ha, xanh mơn mởn. Xen lẫn trong những luống đương quy rợp lá, thỉnh thoảng nhoi lên những đọt bông cũng mơn mởn không kém. Các vị khách dù chưa biết mùi vị đương quy có hợp với mình không, nhưng cứ nhiệt tình hái và thích thú hít hà mùi thơm ngát, dễ chịu vô cùng...
Chúng tôi còn ghé thăm vườn đương quy giống, xuống hạt được khoảng 2 tháng. Nhân công đang tỉa cây giao cho các nhà vườn. Mỗi bó 200 cây, mỗi cây giống đã mọc rễ được khoảng một gang tay. “Phải chừng này cây mới có sức. Nếu non quá, cây không đủ sức trụ lại. Cây già quá có nguy cơ bị đứt rễ cọc lúc nhổ lên”... Vườn cây giống này, bà Thi đã mất trắng một năm làm “thí nghiệm”, tự trả “học phí” và không thu được củ đương quy nào. “Nhưng, giờ thì có thể hướng dẫn kỹ thuật cho người mới muốn trồng đương quy rồi”.
Câu chuyện cứ thế lan man sang cái “vất” của nghề làm trà dược liệu.
HTX Như Ý có 7 thành viên, đang trồng dược liệu được khoảng 20 ha, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, HTX còn thu mua nguyên liệu trồng ở các vùng Đông Thanh, Gia Lâm, Hòa Bắc... Hiện tại, HTX Như Ý đang dùng máy sấy thủ công gia truyền của gia đình bà Thi. Nguyên liệu tươi đem về phơi 1 nắng cho héo, bỏ vào lò hấp chín để diệt trừ nấm và kích hoạt một số dược chất, sau đó mới làm khô và cùng với các loại củ hoàng kỳ, đan sâm, cỏ ngọt xay nhuyễn để làm trà túi lọc... Sản phẩm trà đang chào bán trên thị trường với giá 60 ngàn đồng/gói (30 gói trà túi lọc).
Hiện, HTX đang phải gia công phần xay và đóng gói nên chi phí khá cao. Tuy nhiên, không vì thế mà bà Thi cho phép thay đổi hàm lượng hay thu nhỏ các khoản đầu tư. Bởi, nếu không đầu tư đủ (khoảng 30 triệu đồng/sào) thì chất lượng và trọng lượng nguyên liệu không đảm bảo. Quá trình thu hái và chế biến cũng đòi hỏi cái tâm của người làm trà, nếu không, nguyên liệu thì rất bổ dưỡng, nhưng nếu chứa chất độc hại thì bổ mấy cũng không bù lại được.
HTX Như Ý cũng đang khuyến khích nông dân liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Bà Thi tính, nếu chi phí đủ, năng suất có thể lên 40 tấn (300 triệu đồng/ha), có thể thu khoảng 600 triệu đồng/1 năm. HTX Như Ý có thể hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Khi đầu tư được máy sấy, máy xay và máy đóng gói trà, HTX Như Ý sẽ có cơ hội tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm cho một số bà con trong vùng.
(Báo Lâm Đồng Online)