Vốn có đôi bàn tay khéo léo lại được tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm từ khi còn nhỏ, những người đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn B’Lao Sre (phường B’Lao, TP Bảo Lộc) đang phát huy nghề truyền thống từ bao đời nay để cải thiện kinh tế cho gia đình.
![]() |
Chị Ka Hà khéo léo bên tấm thổ cẩm cho khách |
Buôn B’Lao Sre những ngày đầu tháng 3, mùa màng thu hoạch đã xong, đó cũng là lúc những người phụ nữ K’Ho và Châu Mạ ở trong buôn dành nhiều thời gian hơn để ngồi bên khung cửi.
Chúng tôi có dịp được nhìn ngắm những tấm thổ cẩm được xếp ngay ngắn trên nền nhà. Khi ghé xem đúng lúc chị Ka Hà (43 tuổi) - một trong số 5 người được ra Thừa Thiên Huế để tạo gian hàng dệt thổ cẩm nhằm phục vụ cho đợt Fetival 2019 sắp tới.
Cũng giống như những người trong buôn B’Lao Sre, chị Ka Hà được sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm từ thời bà, thời mẹ để lại. Tuổi thơ của chị Ka Hà là miệt mài ngồi bên khung cửi, chị thích thú với từng sợi vải mỗi khi nhìn thấy mẹ ngồi dệt. Năm 12 tuổi, chị quyết tâm học nghề dệt từ mẹ, không chỉ là để thỏa mãn đam mê mà còn để tạo nghề nghiệp cho cuộc sống mình sau này.
Vừa trò chuyện với khách, Ka Hà vừa thoăn thoắt đôi bàn tay để luồn từng sợi vải qua nhau, chị khéo léo và tập trung dệt ra những tấm thổ cẩm đẹp mắt với hoa văn độc đáo. Ngồi bên khung cửi đã mòn dần theo thời gian, chị Ka Hà chia sẻ: “Gia đình tôi có 9 chị em nên cuộc sống còn gặp nhiều vất vả. Ngoài việc đến mùa cà phê, người ta thuê đi hái thì mình đi còn không thì ở nhà dệt thổ cẩm để dùng hoặc để bán. Lâu dần, thổ cẩm được nhiều người ưa dùng nên các lái buôn hay tìm về đây để đặt hàng hoặc chúng tôi tự làm mang đi bán để trang trải cho cuộc sống”.
Không riêng gì mẹ con chị Ka Hà, kinh tế trong gia đình chị Ka Nghèm (50 tuổi) cũng đã được cải thiện nhiều nhờ một phần lớn vào nghề dệt thổ cẩm. Lúc trước, thu nhập của gia đình chị chỉ dựa vào 1 sào cà phê và đứa con trai duy nhất đi làm ăn xa. Cuộc sống gia đình càng khó khăn và vất vả hơn khi cậu con trai cũng cưới vợ và có thêm hai đứa cháu. Khi nhận thấy dệt thổ cẩm giúp gia đình trang trải được cuộc sống, chị Ka Nghiêm bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho nghề dệt.
Ban đầu, chị chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc váy để làm cho mình, dần dần quen rồi chị làm cho gia đình, bạn bè và làm cho khách hàng khi có nhu cầu: “Để dệt ra một tấm thổ cẩm đòi hỏi người dệt phải kiên nhẫn và tỉ mỉ. Tôi tiếp xúc với nghề dệt cũng đã được 35 năm rồi! Bây giờ, nghề dệt không chỉ là đam mê của bản thân mà nó còn là nguồn kinh tế chính trong gia đình, bởi chỉ cần dệt được một tấm thổ cẩm bình thường cũng đã được 500 nghìn đồng/tấm. Chưa kể đến có những tấm cầu kì, nhiều họa tiết khó sẽ được trả giá 1 triệu đến 2 triệu đồng/tấm”, Ka Nghiêm cho hay.
Ở thôn B’Lao Sre, hầu như gia đình nào cũng có một khung cửi để dệt thổ cẩm - nghề truyền thống đang ngày càng được duy trì và phát huy. Nhiều chị em đã tham gia vào những lúc rảnh rỗi với mong muốn lưu giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Được biết, để hoàn thiện một tấm thổ cẩm, người dệt phải mất rất nhiều thời gian, có tấm mất 10 -15 ngày, cũng có có những tấm phải mất cả tháng mới xong. Người đồng bào lấy công làm lời, nghề dệt thổ cẩm vẫn mang lại thu nhập cho mỗi chị em trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Đoàn xã B’Lao cho biết: “Buôn B’Lao Sre có 100 hộ dân và hầu hết phụ nữ gia đình nào cũng biết dệt. Lúc trước, người dân ở đây chỉ biết đi làm thuê vào mùa cà phê để có nguồn thu nhập cho gia đình. Nhưng từ khi thổ cẩm được nhiều người tìm đến để đặt hàng và mua, bà con tập trung dệt hàng nhiều hơn. Bởi vậy, kinh tế ở mỗi gia đình trong buôn đã ổn định hơn so với những năm về trước. Hiện nay, về phía Đoàn cũng đang tiến hành xây dựng mô hình dệt thổ cẩm tại các đoàn viên trong buôn để nhằm giữ gìn và cải thiện đời sống”.
Với những người phụ nữ Châu Mạ hay K’Ho đang từng ngày miệt mài bên khung cửi, nghề dệt thổ cẩm giờ đây không chỉ là một nghề truyền thống cần được lưu giữ mà còn có giá trị về mặt kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo và cải thiện được đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)