Mục tiêu mà thành phố Bảo Lộc đặt ra trong 2 năm tới đây đảm bảo mức tăng trưởng bình quân từ 10 - 11%. Ðặc biệt hơn duy trì 87% tỷ trọng phi nông nghiệp trong cơ cấu kinh kế của thành phố. Và để đạt được mục tiêu này, các yếu tố phát triển doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư... giữ vai trò quan trọng.
![]() |
Kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Võ Đình Quýt |
Để duy trì tỷ trọng giá trị sản xuất phi nông nghiệp đạt 87% trong cơ cấu kinh tế cho thấy, đóng góp từ khu vực nông nghiệp của thành phố Bảo Lộc chỉ còn chiếm 23% GRDP. Điều này nói lên rằng, thành phố Bảo Lộc là địa phương dẫn đầu trong tỉnh có nền sản xuất mà trong đó công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đóng góp tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương. Với mức tăng trưởng hàng năm cũng như tỷ trọng phi nông nghiệp trên đòi hỏi thành phố phải gia tăng mức độ phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư và huy động nguồn lực đầu tư xã hội tương xứng.
Theo UBND thành phố Bảo Lộc, tính đến cuối năm 2018, tổng số doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trên địa bàn thành phố là 1.301 doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp thành lập mới 129 doanh nghiệp bên cạnh 54 doanh nghiệp giải thể. Hiện tại, tổng số vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp là 27.245 tỷ đồng, và nếu chia bình quân, một doanh nghiệp tại Bảo Lộc có suất đầu tư đăng ký gần 21 tỷ đồng. Còn nếu phân loại doanh nghiệp dễ dàng nhận ra đa số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Bảo Lộc tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với 653 doanh nghiệp, thương mại - dịch vụ là 598, còn lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 50 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực chế biến chè, cà phê, dâu tằm, sản xuất hàng may mặc, chế biến khoáng sản, nghĩa là dựa trên lợi thế của địa phương. Mặt khác, hoạt động thương mại - dịch vụ góp phần tiêu thụ nông sản của nông dân, tạo sự tăng trưởng cho thành phố. Với mức độ phát triển doanh nghiệp mới đạt trên 100 doanh nghiệp mỗi năm và trong vòng 3 năm qua doanh nghiệp ở Bảo Lộc được ghi nhận có mức gia tăng đáng kể, bình quân tăng 12,47%/năm. Cùng với 3.750 hộ kinh doanh cá thể và 44 hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động trên địa bàn thành phố, thực sự tạo bước chuyển biến đáng kể, đấy là cơ sở để phát triển kinh tế của Bảo Lộc trong thời gian đến.
Cũng theo UBND thành phố Bảo Lộc, hiện thành phố có 112 dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 7.793 tỷ đồng và 46,42 triệu USD, diện tích sử dụng đất 1.199 ha. Với số dự án này đã được thành phố không tính đến các dự án bị thu hồi hoặc nhà đầu tư xin rút dự án. Trong đó, có 71 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, với tổng vốn đăng ký 4.948 tỷ đồng và 36,84 triệu USD, diện tích sử dụng đất 647,71 ha; 31 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, với tổng vốn đăng ký 2.638 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 363,25 ha; 10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 206,58 tỷ đồng và 9,58 triệu USD, diện tích sử dụng đất 188,86 ha.
Trong tổng số dự án đăng ký đầu tư, tỷ lệ dự án triển khai trên thực tế ở Bảo Lộc chiếm đa số. Cụ thể, đến nay đã có 72 dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, 27 dự án đang triển khai thực hiện và chỉ còn lại 13 dự án chậm triển khai hoặc ngưng hoạt động.
Riêng trong năm 2018, có 2 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư là dự án “Lottecinema Bảo Lộc” của Công ty TNHH Lottecinema Việt Nam; dự án “Khai thác và chế biến khoáng sản đá xây dựng tại mỏ đá tây Đại Lào, xã Đại Lào” của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm qua ước đạt 9.552 tỷ đồng cũng tạo ra động lực cho phát triển kinh tế của thành phố Bảo Lộc.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kết quả đạt được trên các lĩnh vực kinh tế của thành phố thực sự đáng ghi nhận. Đó là duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 9,2%. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 11,5%, dịch vụ tăng 12,5%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,8%. Đối chiếu với Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, mức tăng thêm ở các lĩnh vực đều đạt và vượt mức kế hoạch đặt ra. Qua đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 911,400 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân; thu ngân sách nhà nước do thành phố quản lý ước đạt 500,377 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân, hoàn thành mức thu tăng thêm thấp nhất từ 5% trở lên theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Kế đến, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 270 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ, vượt chỉ tiêu đề ra.
Với đà tăng trưởng trong năm 2018, UBND thành phố Bảo Lộc đặt ra mục tiêu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với các chỉ tiêu cụ thể, bao gồm: Tốc độ GRDP tăng từ 9 - 9,5%; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 10 - 11%, dịch vụ tăng 11 - 12% và lĩnh vực nông lâm nghiệp tăng từ 3 - 4%. Đồng thời hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách theo kế hoạch với mức tăng 11,5% hàng năm.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)