Vị cay cay, thơm nồng của các món ăn mang phong vị ẩm thực Hàn Quốc dễ khiến người ta “ấm lòng” trong thời tiết se lạnh của Đà Lạt.
![]() |
Tuy nhiên, để phù hợp với nhu cầu của thực khách, nhiều chủ cửa hàng đã điều chỉnh trong chế biến, không còn giữ nguyên hương vị đặc trưng như người bản xứ.
Như chúng ta thường thấy, trên một bàn ăn hoàn chỉnh của người Hàn Quốc, bên cạnh hương vị là yếu tố tiên quyết thì cách trang trí, sắp đặt cũng rất cầu kỳ, chỉn chu, các dụng cụ như đũa, thìa... cũng được người Hàn Quốc vô cùng chú trọng. Trong bất kỳ món ăn nào từ kim chi, cơm cuộn, cơm trộn, mì, canh... vị cay luôn đóng vai trò chủ đạo. Ngay từ màu sắc - những miếng kim chi phủ ớt bột đỏ rực thì dù chưa ăn cũng có thể cảm nhận được vị nóng lan tỏa nơi đầu lưỡi.
Vốn ưa thích các món ăn có vị chua, cay nên từ lâu Huỳnh Thanh Thảo (22 tuổi, Đà Lạt) đã là một trong những “tín đồ” của món Hàn. Với Thanh Thảo, những chiếc đĩa nhỏ xinh xắn đựng từng loại thức ăn riêng biệt tạo nên một bức tranh ẩm thực sắc màu, tinh tế. “Từ ngày yêu thích âm nhạc, thường xuyên tìm đọc về văn hóa và theo dõi các chương trình có sự tham gia của ca sĩ thần tượng mà mình mê luôn các món ăn lúc nào không hay. Tuy nhiên, ở đây, món ăn Hàn cũng phần nào được điều chỉnh cho phù hợp khẩu vị của khách hàng người Việt”, Thảo chia sẻ.
Chị Ngọc Châu, chủ cửa hàng Cơm cuộn Hàn Quốc trên đường Bùi Thị Xuân cũng khẳng định điều này. Chị Ngọc Châu cho biết, cửa hàng của mình đã mở cửa được hơn 3 năm và đã có rất nhiều thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng. Từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc nên theo đánh giá của chị, hương vị của các món ăn truyền thống Hàn Quốc không hợp với phần đông khách đến với cửa hàng. Đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên với giá bình dân nên cửa hàng phục vụ các món ăn nhanh như cơm cuộn, bánh gạo cay, mì cay, canh rong biển…
Tương tự, quán ăn Mì cay Seoul tại khu Hòa Bình cũng là một địa chỉ thường xuyên được giới trẻ ở Đà Lạt ghé thăm. Theo chủ quán 9X Nguyễn Vũ Nguyên, có tới gần 70% khách hàng là người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, khách đến từ Hàn Quốc và các nước khác cũng thường xuyên lui tới cửa hàng của anh. Thời gian đầu quán chỉ phục vụ mì cay vì từ 2 năm trở lại đây món ăn này có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới trẻ. Sau này thực đơn được mở rộng vì nhu cầu của khách hàng nên những món ăn khác tiếp nối ra đời. Trung bình mỗi ngày quán phục vụ khoảng 200 phần ăn, vào dịp lễ và cuối tuần thường đông hơn.
“Bản thân mình ngoài việc tham khảo thực đơn trên internet thì cũng đi học thêm công thức chế biến món ăn Hàn Quốc. Ngoài rau củ, nguyên liệu tươi của Đà Lạt thì các loại gia vị như tương, ớt bột… phải nhập từ các cửa hàng bán đồ Hàn Quốc ở Hà Nội. Thông qua góp ý của khách hàng, các món ăn tại cửa hàng đã có nhiều thay đổi để phù hợp khẩu vị của số đông”, anh Nguyên cho biết.
Mỗi lần đi trên đường Trần Nhân Tông, nhiều người bị thu hút bởi cửa hàng nhỏ nhắn có tên Mary được trang trí theo phong cách Hàn Quốc. Chủ nhân của nó là một phụ nữ người Hàn Quốc đã về hưu. Khác với những cửa hàng mới mở, quán Mary được trang trí, phục vụ các món ăn mang hương vị truyền thống đặc trưng do chính tay chủ quán - bà Mary chế biến.
Không gian quán từ bàn ghế, màu sắc được thiết kế rất đặc trưng theo phong cách Hàn Quốc. Thực đơn là những món ăn truyền thống của người Hàn trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài rau xanh, toàn bộ nguyên liệu và gia vị được bà và người thân đưa trực tiếp từ Hàn Quốc sang đây.
Bà Mary cho biết, ngoài một số nhà hàng lớn thì các cửa hàng đa số món ăn Hàn Quốc không còn giữ được mùi vị đặc trưng. Chính vì thế, sau khi quyết định sẽ gắn bó phần đời còn lại tại đây, bà muốn đưa văn hóa ẩm thực, trang phục của xứ sở kim chi một cách nguyên bản đến gần hơn với người Đà Lạt và du khách.
(Báo Lâm Đồng Online)
(Báo Lâm Đồng Online)