8/26/2020 9:47:00 AM
.

Nhiều chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ


(Lâm Đồng Online) Đánh giá của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm cho thấy: Mặc dù các ngành, các cấp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ.

 
7 tháng đầu năm, xuất khẩu hoa tươi các loại giảm 18,4% lượng và 5,9% về giá trị so với cùng kỳ. Trong ảnh: Hoa Dalat Hasfarm. Ảnh: Hoàng Yên

 Chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 có lẽ là lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Bởi khi đợt dịch lần đầu bùng phát vừa mới nguôi, lệnh giãn cách xã hội được bãi bỏ không lâu, các ngành kinh tế lại bị dáng thêm đợt dịch COVID-19 lần hai. Qua đó, dòng chảy giao thương sụt giảm, nhất là các dịch vụ du lịch phải tạm ngưng hoạt động dẫn đến giảm doanh thu ở mức cao.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, nội trong tháng 7/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.827,5 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê cho thấy, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 3.508,8 tỷ đồng, tăng 6,1% thì doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống chỉ đạt 734,1 tỷ đồng, giảm tới 24,5%. Còn doanh thu dịch vụ khác ngoài nhóm ăn uống, lưu trú và lữ hành ra đạt 584,1 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 30.122 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 21.723,4 tỷ đồng, tăng chỉ 0,4% nhưng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm tới 34,6%, tương đương số doanh thu 4.126,3 tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý rằng, dịch vụ phục vụ du lịch ở Đà Lạt, Lâm Đồng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong nhóm kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, lượng khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Lâm Đồng sụt giảm bởi dịch bệnh sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí...

Chính vì thế, Lâm Đồng đã thực hiện các chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá chương trình “Đà Lạt - Lâm Đồng, Điểm đến an toàn”; các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa nhiều sản phẩm mới đi vào hoạt động, nhằm thu hút du khách trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Thế nhưng, vừa qua, dịch COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại, các ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng được ghi nhận ở một số tỉnh, thành và mặc dù Lâm Đồng không có ca nhiễm COVID-19 nào nhưng ngành du lịch dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.


7 tháng đầu năm, xuất khẩu hoa tươi các loại đạt 179 triệu cành và chậu hoa các loại với giá trị 28,6 triệu USD, giảm 18,4% lượng và 5,9% về giá trị so với cùng kỳ. Trong ảnh: Hoa Dalat Hasfarm. Ảnh: Hà Hữu Nết

Báo cáo của UBND tỉnh ghi nhận, tính từ lúc dịch bùng phát trở lại đến nay, tổng số phòng lưu trú bị khách du lịch hủy khoảng 16.000 phòng, ước thiệt hại khoảng 19 tỷ đồng.

Theo đó, trong tháng 7 vừa qua, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 400 ngàn lượt khách, giảm 35,5% so cùng kỳ; trong đó, riêng khách quốc tế chỉ đạt 4.000 lượt, giảm tới 89,5% so với cùng kỳ. Khách qua lưu trú đạt 340 ngàn lượt, giảm 21,8% so cùng kỳ. Còn tính chung 7 tháng đầu năm, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 2.276.000 lượt, giảm 47,8% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đạt 94.245 lượt, giảm 69,1% và khách qua lưu trú đạt 1.639.895 lượt, giảm 44,9%.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải cũng giảm do ảnh hưởng của hai đợt bùng phát dịch COVID-19. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, doanh thu từ hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ đạt 2.036,1 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 1.727,1 tỷ đồng, giảm 18,9%; doanh thu kho bãi và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 308,8 tỷ đồng, giảm 6,7%.

Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 55,96 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 382,4 triệu USD, giảm 10,7% so cùng kỳ và mới chỉ đạt 47,8% kế hoạch năm. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm bởi trong 7 tháng chỉ đạt 8,5 triệu USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ và tính chung từ đầu năm đến nay đạt 82,7 triệu USD, giảm 19,3% so cùng kỳ.

Nếu như lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng, khu vực sản xuất công nghiệp cũng không nằm ngoài tác động của dịch COVID-19, tuy mức độ chịu ảnh hưởng của các ngành sản xuất có khác nhau. Được biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7/2020 toàn tỉnh giảm 0,25% so với cùng kỳ. Cụ thể, ở một số ngành đó là: Ngành khai khoáng giảm 0,8% sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí giảm 12,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,69% và chỉ có công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng dương, đạt 8,91%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh tăng nhưng chỉ ở mức 2,84% so cùng kỳ, chưa đạt như kỳ vọng mà kế hoạch đặt ra.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù các ngành, các cấp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ; các hoạt động vận tải hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu từ hoạt động lưu trú, ăn uống, số khách du lịch giảm sâu. Qua đó, kéo theo lao động được đào tạo và giải quyết việc làm cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp; thực hiện quyết liệt kế hoạch hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và có lợi thế cạnh tranh tỉnh Lâm Đồng để bù đắp, hỗ trợ cho tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; duy trì, phục hồi các thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng các thị trường mới; tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường. Đặc biệt, chia sẻ, đồng hành, khuyến khích doanh nghiệp du lịch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo, cải thiện nguồn nhân lực, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới. Với các giải pháp trên và sự quyết tâm cao từ tỉnh đến địa phương cùng các ngành không nằm ngoài mục tiêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020 như kế hoạch đề ra.
 
.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,176,742.00