3/11/2020 8:34:00 AM
.

Kinh doanh lan rừng bằng niềm đam mê


(Lâm Đồng Online) Từ đam mê với nghề trồng lan rừng, anh Hà Thế Mạnh, sinh năm 1988, ở thôn Tân Bình, xã Tân Thành, huyện Ðức Trọng đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng lan rừng. Mô hình này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm và trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên xã Tân Thành.

Anh Hà Thế Mạnh bên vườn lan của mình

Xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của các loại hoa phong lan và sự nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2018, anh Mạnh đã mạnh dạn đầu tư khoảng 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới và mua giống cây. Anh Mạnh cho biết, khi bắt đầu nghề trồng lan, anh gặp khá nhiều trở ngại. Vì dù đã tìm hiểu khá kỹ về kỹ thuật, cách phân biệt các loại giống lan, song nhiều lần anh mua lan về nhưng không đúng với loại giống lan mà anh cần. Mặt khác, do chưa thuần khí hậu nên một số cây bị chết hoặc không ra hoa. Không nản chí, anh Mạnh tìm hiểu qua bạn bè, mạng xã hội, Internet và đến tham quan các nhà vườn lan lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. “Tới bây giờ, sau gần 2 năm bước vào con đường kinh doanh lan, những kỹ thuật cơ bản tôi cũng đã nắm được nhưng tôi vẫn vừa làm, vừa học và vẫn rất thích thú vì trong quá trình đó, mình phát hiện nhiều điều mới mẻ, thú vị về loài hoa này” - anh Mạnh bộc bạch.

Theo anh Mạnh, để ươm được một chậu lan thành công, đòi hỏi người trồng phải hiểu và nắm rõ quy trình. Sau khi tuyển chọn và mua những chậu lan từ các tỉnh thành, như: Hà Tĩnh, Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk... anh Mạnh tận dụng phần thân già từ cây gốc để ươm, xử lý giá thể cho đến giai đoạn lan phát triển ổn định; anh đều đặn phun thuốc khử trùng và áp dụng những phương pháp chăm sóc hợp lý, đến khi cây nảy mầm mới chuyển sang chậu. Vừa kiên trì học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, anh Mạnh đã từng bước làm chủ được kỹ thuật trồng và chăm sóc, giúp anh tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan, anh Mạnh nói: Môi trường để lan sinh trưởng, phát triển tốt nhất là không bị nắng chiếu trực tiếp, có độ ẩm không khí cao, thoáng gió, giá thể trồng lan phải dễ dàng thoát nước. Tại vườn lan của anh có hệ thống tưới tự động, mỗi ngày tưới nước từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 10 - 15 phút để cung cấp đủ lượng nước cho lan phát triển. Trong giá thể trồng lan, ngoài vỏ dừa là phân hữu cơ, anh dùng thêm phân tan chậm để bón cho cây vào thời điểm cần thiết. Suốt quá trình chăm sóc, cần phải phòng trừ tốt các dịch bệnh, không để cây lan bị thối rễ, thối lá... Đặc biệt, cần biết cách điều chỉnh thời gian ra hoa của lan để tăng giá trị thẩm mỹ và tăng giá thành của cây. Khi đã nắm vững về kỹ thuật chăm sóc lan rừng, anh Mạnh đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm cho các đoàn viên, thanh niên trong xã về cách làm.

Hiện tại, vườn Lan của anh Mạnh có khoảng 4.000 giò phong lan, với các loại giống lan, như: Giả hạc Ma Bó, Thác Bay, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, Hiển Anh, Phú Thọ... Tùy vào mỗi loại lan có giá trị khác nhau, có giò lan chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng có giò lan giá trị lên tới hàng chục triệu đồng. Thông qua việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội nên anh Mạnh có đầu ra rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. “Lúc đầu, tôi cũng gặp khó khăn khi tìm đầu ra cho những giò lan của mình, nhưng cũng nhờ một số bạn bè đi trước hướng dẫn, giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, giờ thì đầu ra đã ổn rồi. Ngoài việc bán trực tiếp, tôi chủ yếu live tream bán trên mạng và khách hàng từ kênh này khá nhiều” - anh Mạnh nói.

Từ hiệu quả của mô hình hoa lan, hiện nay, trên địa bàn xã Tân Thành có khoảng 20 đoàn viên, thanh niên đang học hỏi kinh nghiệm và xây dựng mô hình trồng lan giống anh Mạnh. Chị Đàm Thị Luyến - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Thành cho biết: “Mô hình trồng lan của anh Mạnh được coi là mô hình tiêu biểu của thanh niên địa phương. Tuy nhiên, đây vẫn là mô hình tự phát, chưa được vay vốn ngân hàng và kinh doanh chủ yếu trên mạng. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn mô hình này sẽ liên kết với những mô hình trồng lan khác để tìm đầu ra ổn định. Đồng thời, tạo cơ hội để các đoàn viên, thanh niên khác cũng có niềm đam mê kinh doanh lan rừng được học hỏi, phát triển và nhân rộng thành chuỗi liên kết trồng lan trong toàn xã”.

Bằng sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, đam mê với nghề trồng lan, anh Hà Thế Mạnh đã dần tạo thương hiệu cho vườn lan của mình và có hướng nhân rộng. Anh Mạnh cho biết thêm, anh đang đầu tư thêm một vườn lan có diện tích khoảng 200 m2, với 8.000 chậu lan để trồng và nhân giống, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, tập trung nâng cao kỹ thuật và giá trị cây phong lan để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
 

.

TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH LÂM ĐỒNG (TIPC LÂM ĐỒNG)

Địa chỉ: 36 Trần Phú  - Thành phố Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Điện thoại:02633 510 556 - Fax: 02633 811 656
 Email:dalatinfo.vn@gmail.com
Lượt truy cập:5,176,788.00